Chờ...

Bộ GD&ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới: có nhiều thay đổi

(VOH) - Chiều 27/12, Bộ GD&ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, có nhiều thay đổi như xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, giảm số môn học, số tiết học.

Đáng chú ý, cấp tiểu học đổi tên môn Kĩ thuật thành Tin học và Công nghệ là do chương trình mới bổ sung phần Tin học và tổ chức lại nội dung phần Kĩ thuật. Tuy nhiên, trong chương trình hiện hành, môn Tin học đã được dạy từ lớp 3 như một môn học tự chọn. Các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục Thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).

Cấp THCS, môn tin học trước đây là môn tự chọn, nay thành môn bắt buộc. Như vậy, các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục Công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.  Theo chương trình mới, các lớp đều có 12 môn học, giảm 4 - 5 môn so với chương trình hiện hành (lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học). Trong đó môn Khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành vật lí, hóa học, sinh học và khoa học Trái Đất; môn Lịch sử và Địa lí được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử, địa lí.

Chương trình giáo dục phổ thông

Ở cấp THPT, các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học được lựa chọn theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh THPT phải chọn tối thiểu 5 môn khác của nhóm môn được lựa chọn.

Học sinh tiểu học

Hình minh họa: P Nguyệt

Như vậy, theo chương trình mới, bậc PTTH các lớp đều có 13 môn học. Theo chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.

Hoạt động trải nghiệm hoặc Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cả ba cấp học được xây dựng trên cơ sở các hoạt động giáo dục tập thể như chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao Nhi đồng, Đội TNTP Hồ Chí Minh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam và các hoạt động tham quan, lao động, hướng nghiệp, thiện nguyện, phục vụ cộng đồng,… trong chương trình hiện hành.

Về thời lượng dạy học, tuy chương trình mới có thực hiện giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng những tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn.

Chương trình mới phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Trong Chương trình mới, tổng thời lượng học tập của học sinh phổ thông và thời lượng học tập dành cho mỗi cấp học, lớp học, môn học, HĐGD được xác định trên cơ sở kế thừa Chương trình hiện hành và tham khảo tỉ lệ thời lượng phân bổ cho các môn học, HĐGD ở chương trình GDPT của nước ngoài.  

Cụ thể, tổng thời lượng học tập ở cả 3 cấp học theo Chương trình mới là 8.172 giờ (60 phút/giờ), trong đó:

- Thời lượng học tập ở cấp tiểu học: 2.817,5 giờ

- Thời lượng học tập ở cấp THCS: 3.070,5 giờ

- Thời lượng học tập ở cấp THPT: 2.284 giờ.

Chương trình mới quy định, cấp tiểu học “thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, Cấp THCS và THPT “mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học” nhưng khuyến khích các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

  Chương trình mới cho phép thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, Bộ GDĐT sẽ có văn bản hướng dẫn và theo dõi việc các cơ sở GDPT lựa chọn SGK theo đúng quy định của Nghị quyết của Quốc hội.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 với lớp 4, 8, 11; năm học 2024-2025 với lớp 5, 9 và 12.