Theo đề xuất, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ theo phương án thí sinh thi 4 môn (lựa chọn 2 + 2), gồm: thi bắt buộc môn ngữ văn, toán và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12.
Bộ GD&ĐT cho rằng với phương án thi tốt nghiệp THPT này giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình các em và cả xã hội bởi so với kỳ thi hiện tại, số môn thi giảm hai, số buổi thi giảm một.
Phương án này cũng không gây mất cân bằng giữa khối khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên. Tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội của ba năm gần đây luôn khoảng 64-68%.
Ngoài 2 môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn, có 9 môn thi để học sinh lựa chọn dự thi, gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Giải thích về băn khoăn rằng không thi bắt buộc sẽ khó duy trì chất lượng, Bộ GD&ĐT nói các môn học này đã có kiểm tra, đánh giá, có thể hiện điểm số vào học bạ trong quá trình dạy học.
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Môn Ngữ văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm, tương tự hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 2 phương án để xin ý kiến rộng rãi.
Phương án 1: lựa chọn 3 + 2; thí sinh thi bắt buộc môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Phương án 2: lựa chọn 4 + 2; thí sinh thi bắt buộc môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Kết quả được Bộ GD&ĐT tập hợp là gần 74% chọn phương án 1 (thi 3 môn bắt buộc).
Bộ GD&ĐT khảo sát thêm gần 18.000 cán bộ, giáo viên ở TPHCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang với cả 3 phương án thì 60% chọn phương án thi 2 môn bắt buộc, 2 môn lựa chọn. Vì thế đây là phương án chính thức được Bộ GD&ĐT kiến nghị lên Chính phủ.
Dự kiến phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ được chốt trong những tuần tới.