Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) vừa công bố danh sách các đơn vị được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Theo đó, cả nước chỉ có 16 trường đại học, học viện được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Khu vực phía Bắc gồm: Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Thái Nguyên, Đại học Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân.
Khu vực phía Nam gồm: Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Đại học Sài Gòn, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Trà Vinh, Đại học Văn Lang.
Khu vực miền Trung gồm: Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế), Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), Đại học Vinh, Đại học Quy Nhơn và Đại học Tây Nguyên.
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được quy định tại Thông tư số 01/2014/TT – BGDĐT ngày 24/1/2014.
Theo đó, Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam áp dụng cho các chương trình đào tạo ngoại ngữ, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ và người học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Khung năng lực ngoại ngữ được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng Khung tham chiếu Châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước, kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam.
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc được chia làm 3 cấp (Sơ cấp, Trung cấp và Cao cấp) và 6 bậc (từ Bậc 1 đến Bậc 6 và tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR).
Theo dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc thi và tổ chức thi ngoại ngữ sẽ được nâng cao hơn so với quy định hiện hành như yêu cầu ngân hàng câu hỏi phải tăng gấp đôi số lượng, từ 2022 sẽ thi hoàn toàn trên máy tính, đơn vị tổ chức thi chịu hoàn toàn trách nhiệm...
Theo quy định hiện hành, ngân hàng câu hỏi tại một thời điểm phải có ít nhất 50 đề thi tương đương nhau đối với môn tiếng Anh, 30 đề thi tương đương nhau đối với ngoại ngữ khác. Trong đó số lượng các câu hỏi thi trùng nhau giữa các đề thi không quá 10%.
Tuy nhiên, theo dự thảo quy định mới, từ năm 2021, ngân hàng đề như trên chỉ áp dụng đối với đề thi dành cho học sinh phổ thông. Với định dạng đề thi dành cho các đối tượng khác, số lượng đề thi tương đương nhau tại một thời điểm đối đối với môn Tiếng Anh phải có ít nhất 100 đề thi, tăng gấp đôi. Đối với môn ngoại ngữ khác phải, yêu cầu ngân hàng đề vẫn giữ nguyên có ít nhất 30 đề thi.
Một điểm mới quan trọng khác là hình thức dự thi. Theo quy định cũ, việc thi trên máy tính là không bắt buộc. Tùy vào thực tế của mình, các đơn vị có thể tổ chức thi các kỹ năng nghe, đọc, viết trên giấy; thi kỹ năng nói trực tiếp. Tuy nhiên theo dự thảo quy định mới, từ năm 2022, tất cả các kỹ năng đều được tổ chức thi trên máy tính.
Cục Quản lý chất lượng cũng vừa công bố danh sách các trung tâm sát hạch, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin gồm 182 đơn vị; trong đó có 135 trường đại học, học viện, 46 sở giáo dục và đào tạo và Cục Tin học hóa thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Cục Quản lý chất lượng giáo dục cũng công bố danh sách các đơn vị được cấp chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ ra đề thi ngoại ngữ, chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ chấm thi nói và viết ngoại ngữ; đơn vị được cấp chứng chỉ tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. 181 đơn vị có trung tâm sát hạch, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin. Bộ cũng công bố danh sách đơn vị được cấp chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ ra đề thi ngoại ngữ, cán bộ chấm thi nói và viết ngoại ngữ và chứng chỉ Tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. |