Chờ...

Bộ Giáo dục và đào tạo giải trình về kỳ thi THPT và tuyển dụng giáo viên

(VOH) - Sáng 24/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội

Phiên giải trình có sự  tham dự trả lời trực tiếp của lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ.

Kỳ thi THPT: kỳ thi 2 trong 1 có nhiều vấn đề cần xem xét

Ủy ban VHGD TNTN & NĐ cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia đang đặt ra nhiều vấn đề, cần được tiếp tục nghiên cứu và chỉnh sửa. Cụ thể:

Chủ trương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục tiêu vẫn chưa được khẳng định, gây khó khăn cho khâu xây dựng đề thi chuẩn hóa, trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng kỳ thi.

Phương thức thi trắc nghiệm khách quan khó đánh giá năng lực tư duy suy luận, khái quát và sáng tạo của học sinh, chứa đựng yếu tố may rủi nên cần nghiên cứu khi áp dụng với một số môn học, nhất là môn toán trong điều kiện việc biên soạn đề chưa đáp ứng chuẩn mực chung.

Chất lượng đề thi trắc nghiệm khách quan khó đảm bảo, khi ngân hàng câu hỏi đề thi chủ yếu dựa trên nguồn cung cấp hệ thống đề mẫu từ các địa phương, chưa đảm bảo cả về chất lượng và số lượng.

Đối với môn thi tổ hợp, chưa là các đề thi tổ hợp kiến thức. Điều này tạo áp lực đối với các thí sinh, một buổi thi 3 môn, mỗi môn 50 phút và chỉ nghỉ 10 phút giữa 2 môn.

Việc xác định 2 mục tiêu đồng thời cho kỳ thi THPT QG gồm xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả để xét tuyển sinh ĐH, CĐ là không dễ khi xây dựng đề thi; mặt khác từ yêu cầu này, dẫn tới cấu trúc đề thi được thiết kế với 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao, đã tạo áp lực đối với thí sinh chỉ có một mục tiêu xét thi xét tốt nghiệp THPT mà không có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ khó có thể đạt điểm thi THPT cao.

Theo quy chế, điểm xét tốt nghiệp gồm: cộng điểm trung bình thi THPT QG và điểm trung bình cả năm lớp 12, chia 2; cách tính tạo ra nghịch lý: điểm thi THPTQG thấp, nhưng kết quả tốt nghiệp lại cao.

Điều này đang được dư luận đặt ra câu hỏi: Điểm học bạ hay điểm thi THPT sẽ phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông?; nếu điểm học bạ đóng vai trò quyết định kết quả xét tốt nghiệp thì có cần tổ chức kỳ thi THPT? Nếu bỏ kỳ thi THPT sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nào tới hoạt động dạy và học?

Các thí sinh làm thủ tục nhập học Đại học. Hình minh họa

Công tác tuyển dụng giáo viên: nơi thừa nơi thiếu

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thời gian qua công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên thời  đảm bảo cơ bản về số lượng, cơ cấu, nâng dần chất lượng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch mạng lưới trường/lớp,thực hiện điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang những trường/lớp thiếu giáo viên; ưu tiên bố trí biên chế của các địa phương để tuyển dụng giáo viên; chỉ đạo các địa phương tăng cường các giải pháp, không để xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy học.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 15/8, toàn quốc có 1.161.143 giáo viên, trong đó, mầm non: 309.770 (công lập 262.155, ngoài công lập 47.615); tiểu học: 395.848 (công lập 390.873, ngoài công lập 4.975); trung học cơ sở: 305.815 (công lập 300.990, ngoài công lập 4.825); trung học phổ thông: 149.710 (công lập 135.819, ngoài công lập 13.891).

Như vậy, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng hiện là 75.989 người (trong đó mầm non 43.732 người; tiểu học 18.953 người; trung học cơ sở 10.143 người; trung học phổ thông 3.161 người).

Đặc biệt, cấp trung học cơ sở, có nơi thừa nơi thiếu giáo viên, có môm học dư giáo viên và ngược lại. Do vậy, mặc dù toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên trung học cơ sở nhưng một số nơi thừa tổng cộng 12.165 giáo viên trung học cơ sở.

Do tình trạng thiếu giáo viên, một số nơi đã ký hợp đồng giáo viên ngoài biên chế được giao, dẫn đến việc thực hiện không đúng với quy định hiện hành như Krông Pắk (Đắk Lắk), Cà Mau, Thanh Oai (Hà Nội), Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị...