Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Bức ảnh đầu tiên chụp lỗ đen và những bí mật thú vị

(VOH) - Giáo sư Paul T.P. Ho - Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á hôm nay (3/6) đã có buổi chia sẻ thông tin về “Bức ảnh đầu tiên chụp lỗ đen” và nhiều điều thú vị đằng sau bức ảnh này.

Tháng 4/2019, các nhà hoa học đã chụp được bức ảnh đầu tiên của một lỗ đen vũ trụ ở trung tâm của thiên hà M87, sử dụng các đài quan sát Kính thiên văn Event Horizon Telescope - EHT. Trong đó, Đài quan sát Đông Á là nơi đã góp hai hệ kính vô tuyến SMA và JCMT vào dự án kính EHT - đơn vị công bố bức ảnh đầu tiên của nhân loại về lỗ đen.

Giáo sư Paul T.P. Ho - Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á hôm nay (3/6) đã có buổi chia sẻ thông tin về “Bức ảnh đầu tiên chụp lỗ đen” với sinh viên trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM).

lỗ đen, lỗ đen vũ trụ, Paul T.P. Ho, Đài quan sát Đông Á

Giáo sư Paul T.P. Ho - Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á trình bày các thông tin liên quan tới lỗ đen

Lỗ đen M87 lớn như thế nào?

Lỗ đen M87 nằm tại trung tâm của thiên hà Messier 87, một thiên hà nặng ở gần cụm thiên hà Xử Nữ (Virgo).

“Bức ảnh đầu tiên chụp lỗ đen” cho thấy một vòng sáng được hình thành khi ánh sáng bị bẻ cong dưới lực hấp dẫn lớn xung quanh một lỗ đen. Theo tính toán, lỗ đen M87 có đường kính 40 tỷ km, lớn gấp ba triệu lần Trái Đất; nặng gấp 6,5 tỷ lần Mặt Trời và nằm cách Trái Đất 55 triệu năm ánh sáng.

Các nhà khoa học ở EHT gọi M87 là lỗ đen "quái vật” bởi vật thể này tác động đến môi trường xung quanh chúng theo những cách rất cực đoan: bẻ cong không-thời gian và đốt nóng bất kỳ vật chất nào xung quanh.

Lỗ đen là vật thể bí ẩn nhất trong vũ trụ và từng được cho là không thể quan sát. Tuy nhiên, “Bức ảnh đầu tiên chụp lỗ đen” giúp chúng ta nhìn trực tiếp đĩa bồi tụ, vòng bụi và khí mờ hình tròn liên tục cung cấp vật chất "nuôi" lỗ đen bên trong.

lỗ đen, lỗ đen vũ trụ, Paul T.P. Ho, Đài quan sát Đông Á

Lỗ đen hiện vẫn là vật thể bí ẩn nhất trong vũ trụ

Đài quan sát nào chụp được lỗ đen M87?

Kính viễn vọng Event Horizon Telescope - EHT, một mạng lưới quy mô hành tinh của 8 kính thiên văn radio mặt đất thuộc một hợp tác quốc tế, được thiết kế để chụp các bức ảnh của lỗ đen.

8 kính thiên văn được lắp đặt ở nhiều vị trí có độ cao khác nhau, bao gồm cả các núi lửa ở Hawaii và Mexico, các ngọn núi ở Arizona và Sierra Nevada ở Tây Ban Nha, hoang mạc Atacama ở Chile và Châu Nam Cực.

EHT kết nối các kính thiên văn khắp nơi trên thế giới để tạo thành một kính thiên văn ảo kích thước Trái Đất với một độ phân giải và độ nhạy vô tiền khoáng hậu.

EHT là kết quả của một hợp tác quốc tế trong nhiều năm, cung cấp cho các nhà khoa học một cách thức mới để nghiên cứu các vật thể cực đoan nhất vũ trụ, vốn đã được tiên đoán bởi lý thuyết tương đối tổng quát của Einstein và đã được kiểm chứng bằng thực nghiệm đúng 100 năm trước nhờ hiện tượng nhật thực toàn phần.

Các quan sát của EHT sử dụng kỹ thuật giao thoa đường cơ sở rất dài với các kính thiên văn đồng bộ khắp nơi trên thế giới và khai thác sự tự quay của trái đất để tạo nên một kính thiên văn kích thước Trái Đất, quan sát tại bước sóng 1,3 mm. Điều này cho phép EHT đạt được một độ phân giải góc lên đến 20 micro-arcsecond.

Các kính viễn vọng đóng góp vào kết quả này gồm có ALMA, APEX, kính thiên văn 30 mét IRAM, Kính thiên văn James Clerk Maxwell, Large Millimeter Telescope Alfonso Serrano, Submillimeter Array, the Submillimeter Telescope, Kính thiên văn Nam Cực.

Hàng triệu Gigabyte dữ liệu gốc từ các kính thiên văn đã được kết hợp bởi các siêu máy tính chuyên biệt đặt tại Viện nghiên cứu Thiên văn Vô tuyến Max Planck và tại Đài thiên văn Haystack của MIT.

Theo thống kê, “Bức ảnh đầu tiên chụp lỗ đen” được thực hiện bởi một nhóm hơn 200 nhà nghiên cứu.

Công trình công bố bức ảnh đầu tiên chụp lỗ đen là một công trình tiêu biểu về vai trò quan trọng của công nghệ và hợp tác khoa học trong nghiên cứu. Đằng sau một bức ảnh là công việc của hàng trăm nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới, các công nghệ chế tạo ăng-ten tiên tiến nhất và kỹ thuật xử lý dữ liệu lớn.

TS Trần Tiến Khoa – Hiệu trưởng Đại học Quốc tế đánh giá: ““Bức ảnh đầu tiên chụp lỗ đen” làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về một trong những vật thể bí ẩn nhất vũ trụ. Đây là một thành công đột phá của lĩnh vực thiên văn học và buổi nói chuyện của GS Paul T.P. Ho đã giúp người yêu khoa học, đặc biệt là sinh viên, tìm hiểu và học hỏi được nhiều điều mới mẻ về hành trình đầy thú vị này”.

Chia sẻ 8 ứng dụng quay màn hình điện thoại Android - iOS siêu mượt, cực nét, không giật - Quay màn hình điện thoại là thủ thuật hữu ích giúp bạn dễ dàng ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời khi dùng smartphone. Nếu bạn chưa biết thủ thuật này thì tham khảo những bước làm sau.

Google dùng khí cầu để phát Internet cho người dân bị động đất - Alphabet, công ty mẹ của gã khổng lồ tìm kiếm Google đang sử dụng những quả khinh khí cầu để cung cấp kết nối Internet cho các nạn nhân của trận động đất tại Peru.

Bình luận