Chờ...

Cách ứng xử khi biết con bị bắt nạt ở trường

(VOH) - Với những trẻ bị bắt nạt ở trường, nỗi đau của các em không chỉ là những cú đánh, đấm của bạn mà còn là những sang chấn tâm lý khi bị bạn bè làm nhục trước nhiều người và quay video clip tung lên  mạng. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ với các bậc cha mẹ về cách xử lý trong tình huống này.

Ở độ tuổi cấp 1, cấp 2, việc trẻ "đụng độ" với bạn là khó tránh

Dàn xếp mâu thuẫn của trẻ

Trong chương trình Kỹ năng làm cha mẹ - phát trên kênh FM 99,9 MHz – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (ngày 28/10/2016), Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, ở độ tuổi cấp 1, cấp 2 – mấp mé độ tuổi vị thành niên, việc các em đụng chạm với bạn bè rất khó tránh. Đa phần các vị phụ huynh, khi nghe con kể - chỉ nghe từ một phía nhưng luôn chắc chắn là con mình đúng, còn những kẻ bắt nạt là sai. Lúc này, phản ứng chung là bảo vệ con và muốn trừng trị “kẻ bắt nạt”.

Đó là chưa kể có nhiều phụ huynh hành xử bạo lực, ngay cả khi con mình mới ở độ tuổi mẫu giáo, chỉ cần trẻ về nói gì không hay là ngay lập tức đến mắng chửi, hành hung cô giáo. Làm như thế là hơi vội vàng.

Trong các tình huống này, cha mẹ cần khéo léo hỏi trẻ rõ nguyên nhân dẫn đến đánh nhau hoặc bị đánh, bắt nạt. Vì thực tế khi hỏi, trẻ thường che đậy khuyết điểm của bản thân và kể rằng “tự nhiên bị bán đánh”. Tất nhiên hành vi đánh hội đồng bạn là hành vi không tốt – nhưng cũng phải xem lại, hành vi của con mình là gì – xúc phạm hay chọc tức bạn.

Do đó, dù ai làm gì con mình thì cũng không nên hạ thấp bản thân và hành xử nông nổi như những đứa trẻ, chẳng hạn như là xông vào đánh kẻ bắt nạt để bảo vệ con.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên khẳng định: “Ở đây, chúng ta không phải là đổ lỗi lại cho trẻ mà cần hiểu rõ ngọn nguồn và khi biết lỗi bắt nguồn từ con mình hay do nhóm kia là hung hãn – thì mới có cách xử lý phù hợp. Lúc này, trách nhiệm của người lớn là dàn xếp mâu thuẫn của trẻ chứ không phải là đứng về phía con mình và đánh lại người khác”.

Đồng hành cùng con

Trường hợp con bị bạn bắt nạt, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ để phát hiện tình hình và hiểu được diễn biến trong tâm lý trẻ. Tránh trường hợp để trẻ chịu đựng và hành xử tiêu cực.

Khi trẻ bị ức hiếp sẽ có các dấu hiệu sau: đi học về có thương tích và không nói rõ ràng lý do, thay đổi thói quen ăn ngủ, học hành giảm sút, kém tự tin, giảm hứng thú với bài vở, trường lớp, có ý muốn chuyển trường hoặc nghỉ học, có biểu hiện muốn tự hủy hoại mình...

Lúc này, cha mẹ cần dành thời gian trò chuyện với trẻ về hoạt động trường lớp, gợi ý để trẻ kể và chia sẻ với cha mẹ về những điều khúc mắc. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tự tin phản ứng bằng lời nói khi bị tấn công, hoặc tìm cách tránh xa “những kẻ bắt nạt” và giúp trẻ hiểu rằng, hành vi bắt nạt là sai và trẻ sẽ được hỗ trợ tốt nhất khi chia sẻ với thầy cô, cha mẹ về vấn đề này.

Trong trường hợp trẻ quá lo sợ và không muốn đi học, cha mẹ nên giúp con thay đổi trường học để trẻ có một môi trường mới, tránh xa được những “kẻ bắt nạt”.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy con lên tiếng bênh vực, giải cứu bạn bị bắt nạt hoặc tìm sự giúp đỡ từ người lớn để giúp bạn. Khi có vụ việc ức hiếp xảy ra trong lớp, con không nên cổ vũ hoặc thờ ơ, quay clip mà nên thông báo cho thầy cô để có thể được hỗ trợ giải quyết vấn đề.

Dạy con không bắt nạt bạn

Một điều nữa nhiều bậc cha mẹ “quên” dạy con mình, đó là dạy cho con không hành xử bạo lực, không bắt nạt bạn bè và không giải quyết vấn đề bằng bạo lực.

Ngoài việc không hướng dẫn trẻ, thái độ dạy dỗ trẻ bằng bạo lực trong gia đình vô tình khiến trẻ hiểu rằng “bạo lực” có thể giải quyết được vấn đề. Do đó, cha mẹ cũng cần làm gương trong cách ứng xử gia đình, đặc biệt nên chế ngự stress, cách thể hiện cảm xúc và giải quyết sự việc bằng thái độ bình tĩnh, tôn trọng người khác (nhất là với con cái, ngay cả khi con làm sai gì đó) để giúp trẻ hình thành thái độ sống tốt, chừng mực.