Cần có những quy định, chuẩn mực cụ thể về đạo đức nhà giáo

(VOH) - Tại hội thảo Khoa học Quốc gia Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay, diễn ra vào sáng 8/6, nhiều đại biểu cho rằng phải có những quy định, chuẩn mực tiêu chí cụ thể về đạo đức nhà giáo.

Các đại biểu cho rằng lâu nay, đạo đức nghề giáo mặc nhiên được xã hội xem như là một đặc điểm của nghề mà không có sự hướng dẫn cụ thể cho giáo viên. Trong khi thực tế chuẩn mực đạo đức là một phạm trù mang tính chất lịch sử, chứ không là vĩnh viễn bất biến. Đạo đức nhà giáo cũng có nhiều thay đổi so với trước đây.

Chẳng hạn trước đây quan điểm "yêu thương" là cho roi cho vọt, phụ huynh mong thầy đánh để dạy dỗ trẻ con nên người. Nhưng ngược lại, trong xã hội hiện nay, đánh học sinh là việc không được chấp nhận trong môi trường học đường. Vì vậy, không thể lấy những chuẩn mực cũ để áp dụng đánh giá trong giai đoạn hiện tại.

hội thảo Khoa học Quốc gia Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay

Quang cảnh hội thảo Khoa học Quốc gia Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long, Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam- Phân viện miền Nam phần lớn phụ huynh đánh giá mức độ yêu thương của giáo viên đối với học sinh hiện nay ở mức tạm hài lòng, chưa thực sự cao: "Xã hội thay đổi với những điều kiện vượt bậc về kinh tế, công nghệ kéo theo sự thay đổi đặc biệt các quan niệm về đạo đức, vị thế người thầy trong xã hội hiện đại. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức nhà giáo. Vì vậy, theo tôi càng hiện đại bao nhiêu, đạo đức con người càng cần được quan tâm để cản lại những tác động không tích cực từ bên ngoài. Dù xã hội có thế nào thì vấn đề đạo đức vẫn phải được quan tâm" .

Bên cạnh đó, vấn đề đạo đức nghề chưa được quan tâm đúng mức trong chương trình giảng dạy tại các trường sư phạm. Nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Trúc Thuyên, Trường Đại học Ngoại ngữ- Đại học Đà Nẵng trên chương trình đào tạo của 4 trường đại học sư phạm Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TPHCM cho thấy, ngành mầm non của trường Đại học Sư Phạm TPHCM có nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp là cao nhất. Tuy nhiên,  cũng chỉ chiếm 8,5% tỷ trọng chương trình đào tạo. Những nội dung này chủ yếu được tích hợp trong các môn học, học phần khác.

Trong khi đó, các quốc gia có nền giáo dục phát triển đều có những yêu cầu cao về đạo đức nghề giáo. Cụ thể, tại Phần Lan năng lực đạo đức được xác định là một trong 6 năng lực cần có của giáo viên. Quốc gia này không chỉ khắt khe trong công tác tuyển sinh ngành sư phạm, mà cả cách cư xử, lời nói hàng ngày cũng là tiêu chí để đánh giá sinh viên. Để có thể đứng lớp, sinh viên Đức và Phần Lan phải có bằng thạc sĩ.

Riêng ở Canada, người học phải hoàn thành cùng lúc hai chương trình cử nhân khoa học, để nắm vững chuyên môn và cử nhân giáo dục để chú trọng các yêu cầu sư phạm. Trong chương trình đào tạo giáo viên, thực tập sư phạm là nội dung quan trọng, chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số tín chỉ sinh viên cần tích lũy. Ngoài ra, giáo dục đạo đức nghề nghiệp được triển khai trong các học phần giáo dục cụ thể và cũng được tích hợp, lồng ghép trong tất cả hoạt động ngoại khóa, thực tập xuyên suốt quá trình đào tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Trúc Thuyên đúc kết: "Vấn đề tồn tại trong giáo dục đạo đức nghề nghiệp nhà giáo trong chương trình đào tạo sư phạm thứ nhất là thiếu tính thống nhất về kết cấu chương trình đào tạo. Thứ hai, mục tiêu giáp dục đạo đức không rõ ràng. Thứ ba, nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp còn nhiều bất cập. Thứ tư, thực tập sư phạm chưa được chú trọng".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Mai Phương, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay phải giải quyết được 3 vấn đề: sư đạo- lý tưởng nghề nghiệp, sư đức- đạo đức làm nghề và sư thuật- kỹ thuật phương pháp trình độ chuyên môn. Đã đến lúc phải có những quy định, chuẩn mực tiêu chí cụ thể về đạo đức nhà giáo cũng như tổ chức bồi dưỡng đạo đức nghề giáo.

Trong bối cảnh hiện nay cơ chế thị trường, giáo dục cũng được xem là một hoạt động sản xuất hàng hóa, mỗi thầy cô sẽ là một thương hiệu về đạo đức, về chuyên môn: "Trong kinh tế thị trường này, nghề giáo được xem là một hoạt động sản xuất hàng hoá, chúng ta có sản phẩm, có giá trị và trong kinh tế làm hàng hoá người ta rất quan tâm đến thương hiệu.

Trường học tạo được thương hiệu, giáo viên tạo được thương hiệu là có thể sống được bằng nghề của mình. Thương hiệu ấy được vun đắp bởi 3 yếu tố đã nói bên trên. Trong giáo dục cũng phải có tư duy đó, tôi nghĩ chúng ta phải khuyến khích điều đó, có như vậy mới tạo nên cơ chế cạnh tranh một cách lành mạnh".