Nội dung này được các đại biểu phản ánh tại Hội nghị góp ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng tổ chức vào sáng 21/8.
Mục tiêu đưa ra đến 2020, sẽ có 30% học sinh trung học cơ sở vào học nghề, đến 2025 số học sinh vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp là 40%. Tuy nhiên thực tế, chỉ có khoảng 10% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề. Trong đó, mặc dù theo quy định chương trình khung của bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) với một số môn văn hoá như Toán, Văn, Anh văn, Lý, Hoá... sẽ được cấp chứng nhận để thi vào đại học.
Nhưng một số quy định trong biên chế công việc vẫn không xem bằng trung cấp chuyên nghiệp tương đương với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Để có được bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, học viên trung cấp chuyên nghiệp sẽ đăng ký học thêm ngoài giờ với hình thức giáo dục thường xuyên.
Vì vậy, ộng Trương Văn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp và Đại học, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, đề nghị: "Đất nước chúng ta, thế kỷ 21, phải nâng dân trí lên lớp 12 phổ thông, sau đó gắn với nghề nghiệp định hướng. Chính phủ ra quyết định 522, duyệt quy hoạch định hướng, hướng nghiệp và phân luồng để đào tạo vào trong các trường Trung học phổ thông. Hình thành những trường trung học mang tính chất định hướng giáo dục nghề nghiệp, có thể gọi là trung học kỹ thuật, trung học tổng hợp, trung học thực hành. Hình dung là cách đưa kỹ thuật vào trong giáo dục phổ thông. Mặt bằng dân trí ra vẫn lớp 12."
Hội thảo góp ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi sáng 21/8.
Theo đại biểu Lê Quang Minh, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, trước 1975, loại hình trường Trung học kỹ thuật, trung học chuyên nghiệp như trường Cao Thắng, Nông Lâm Súc là mô hình trường học có chuẩn đầu vào rất cao và được nhiều người học lựa chọn. Học sinh tốt nghiệp được cấp bằng tú tài kỹ thuật, được quy định ngạch bậc trong hệ thống quản lý nhà nước nếu đi làm. Ngoài ra, các em còn có nhiều hướng lựa chọn cho tương lai.
“Họ hoàn toàn có thể sử dụng bằng tú tài kỹ thuật, tú tài nông lâm súc thi vào bất cứ đại học nào kể cả trường Y. Nếu sử dụng bằng tú tài nông lâm súc thi vào trường nông nghiệp họ sẽ được thuận lợi rất lớn là kiến thức nông nghiệp. Dĩ nhiên song song vẫn là các môn Toán- Lý- Hoá- Ngoại ngữ... và môn chuyên môn. Cách tổ chức đó làm cho các trường (gọi nôm na là các trường trung học chuyên nghiệp) có sức sống.", đại biểu Lê Quang Minh nói.
Ông Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động thương binh và Xã hội, cần ngồi lại và thiết kế chương trình như thế nào để khi tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp có trình độ văn hoá tương đương tốt nghiệp trung học phổ thông.
Ông Nguyễn Hải Hữu nêu thực trạng: “Nếu các anh không thiết kế chỗ này, sẽ không tạo được một hệ thống liên thông, toàn bộ nhóm này bị tắc. Nếu từ hệ thống giáo dục nghề nghiệp mà không liên thông được với hệ thống đại học thì, người học sẽ không đi theo học nghề. Sang các nước Thuỵ Điển, Đức... hầu hết các cháu đều đi học nghề, việc học nghề mang tính phổ cập. Học nghề xong các em đi làm. Đi làm khi nào có điều kiện lại đi học tiếp vào đại học. Còn mình, học nghề xong, vào hệ thống đại học có vào nổi không? đang bị tắc ở đây, nhưng hệ thống pháp luật chưa giải quyết được."
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng khẳng định, cần tạo ra một thể thống nhất và thoải mái trong quan điểm về học nghề.
"Hệ thống giáo dục quốc dân cần phải thống nhất và liên thông một cách tự nhiên. Không phải là các em học yếu là mới học nghề mà đó là một con đường tự nhiên. Có những em thích học nghề chứ không phải lọt sàng xuống nia. Đôi khi học nghề lại là một hướng trong xã hội. Ở nhiều nước là như thế", ông Phan Thanh Bình chia sẻ.