Cụ thể, tại buổi làm việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm cung cấp thông tin liên quan đến các vấn đề giáo dục sáng 17/05, tại Bình Thuận, ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết với gần 400 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên, mỗi năm Bộ chỉ có thể hậu kiểm khoảng 20 trường vì không đủ nguồn lực.
Ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay, cả nước có hơn 887.000 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có hơn 653.000 thí sinh đăng ký thi để xét tuyển vào đại học, chiếm tỷ lệ 74%.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT chia sẻ thông tin các vấn đề giáo dục.
Về chỉ tiêu, tổng chỉ tiêu năm nay gần 490.000 chỉ tiêu, tăng 7,55 so với năm ngoái. Những trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, thì trường được tăng chỉ tiêu phù hợp với năng lực của trường. Trong đó, chỉ tiêu sư phạm là 46.000, tăng 10.000 so với năm 2018.
Ông Nghệ giải thích thêm, mặc dù nhu cầu các địa phương gửi về là hơn 63.000 giáo viên đang còn thiếu, nhưng Bộ chỉ xác định 46.000 chỉ tiêu. Liên quan đến việc chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ đã có thông tư quy định cụ thể ngành nào, trường nào được tăng chỉ tiêu, thêm tiêu chí mới là tình trạng sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, hàng năm Bộ chỉ tiến hành kiểm tra, hậu kiểm vấn đề này được khoảng 20 trường trên cả nước.
“Có gần 400 cơ sở giáo dục có xét tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành sư phạm trong năm 2019 này. Chúng ta không thể nào có đủ nguồn lực, kể cả về con người, tài chính để đi kiểm tra tất cả các cơ sở này. Trong năm 2019, Bộ trưởng đã ký quyết định đi kiểm tra khoảng 20 cơ sở. 20 trường này cũng phải tính toán trường nào nên đi” - ông Phạm Như Nghệ cho hay.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm, các trường phải thực hiện ba công khai, bao gồm nguồn lực đội ngũ, cơ sở vật chất trang thiết bị, tỷ lệ sinh viên có việc làm. Từ 2017, các trường bắt đầu kê khai việc này. Hiện nay số liệu này được cập nhật đầy đủ nhất trước hết là lên trang web của từng trường, thứ hai là cơ sở dữ liệu của cổng thông tin của Bộ để cập nhật.
“Chúng tôi có phần mềm để rà soát rất kỹ để xem các trường có gì tăng đột biến hay không?Qua những đợt kiểm tra như vậy, tất nhiên việc chọn mẫu nào để kiểm tra chúng tôi có cơ sở của mình, trên cơ sở đó chúng tôi điều chỉnh kịp thời khi cần thiết, để bảo đảm rằng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường phải phù hợp với nguồn lực của từng trường. Công việc này sẽ tiếp tục còn làm trong nhiều năm nữa. Trên cơ sở, trường càng tự chủ bao nhiêu thì trường càng phải công khai bấy nhiêu, càng chịu trách nhiệm về các số liệu công khai đó, để sinh viên, xã hội, cơ quan quản lý nhà nước giám sát việc này” - ông Mai Văn Trinh nói.
Ông Trinh cũng thông tin thêm, năm ngoái sau khi Bộ đi hậu kiểm các trường, đã phát hiện trường hợp buộc trường phải điều chỉnh hạ chỉ tiêu. Mới đây, đoàn kiểm tra của Bộ đã hoàn tất công tác hậu kiểm các trường năm nay. Mục đích nhằm bảo đảm sao cho chỉ tiêu tuyển sinh phải phù hợp, tương xứng với năng lực tuyển sinh các trường.