Chờ...

Chỉ khoảng 40% giảng viên đủ chuẩn giảng dạy bằng tiếng Anh

(VOH) - Hiện tỷ lệ sinh viên Việt Nam giỏi tiếng anh chỉ khoảng 20%. Tỷ lệ này đối với giảng viên khoảng 40% đủ chuẩn.

Số còn lại phải nỗ lực học hỏi nhiều hơn nữa mới có thể đạt chuẩn, giao tiếp quốc tế và giảng dạy bằng tiếng anh.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM chia sẻ như vậy tại Hội thảo Quốc tế hóa giáo dục: Vai trò của Chính phủ và các tổ chức giáo dục trong việc đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục, do Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng tổ chức sáng nay 09/11.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài,

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM phát biểu tại Hội thảo.

Tại hội thảo, các nhà quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu và chuyên gia đến từ Đức, Thái Lan, Hoa Kỳ, Nhật bản cùng thảo luận về các thách thức tồn tại trong quản lý giáo dục trong nước và quốc tế; các chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế và quốc tế hóa giáo dục trong thời đại mới.

Theo Giáo sư Hoài, ngoài nỗ lực của các trường đại học thì về phía Chính phủ, Bộ, ban ngành phải có những chính sách thúc đẩy cho những hoạt động quốc tế hóa trở nên tốt hơn và theo thông lệ của thế giới.

Ví dụ, hiện nay tỷ lệ sinh viên quốc tế đến Việt Nam còn thấp, nên phải cần sự hỗ trợ về mặt thủ tục nhập cảnh, chính sách học bổng…..thu hút sinh viên quốc tế. Thêm nữa, muốn khuyến khích sinh viên quốc tế đến Việt Nam học thì chương trình đào tạo của Việt Nam phải được giảng dạy bằng tiếng Anh, phải được thế giới công nhận. Muốn được thế giới công nhận, chương trình phải được kiểm định khu vực và quốc tế.

Một thách thức đặt ra là, giảng viên cũng phải dạy bằng tiếng Anh một cách lưu loát, ít nhất phải tốt nghiệp từ các quốc gia phát triển.

Phân tích những khó khăn, Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài cho rằng, đối với môn tiếng anh, chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra đối với sinh viên chưa đủ để giao tiếp quốc tế một cách hiệu quả : “Xét trung bình, tỷ lệ sinh viên Việt Nam giỏi tiếng anh chỉ khoảng 20%. Còn đối với giảng viên giỏi tiếng anh, nếu chỉ tính trong trường mình, khoảng 40% là đủ chuẩn, 60% phải nỗ lực học hỏi nhiều hơn nữa mới có thể đạt chuẩn, giao tiếp quốc tế và giảng dạy. Giao tiếp ở đây không phải là giao tiếp thông thường mà là giao tiếp về mặt học thuật. Đó là hai điểm mà mình cần phải cải thiện trong thời gian sắp tới”, Giáo sư Hoài nói.

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Việt - Đức cũng cho rằng, do ngoại ngữ không phải là ngôn ngữ chính của chúng ta, nhưng ngôn ngữ lại là yếu tố mang tính rào cản. Nếu những ai không có ngôn ngữ tốt, ngay cả sinh viên, giảng viên, sẽ rất khó bước vào cuộc chơi trong quá trình trao đổi học thuật quốc tế.

Theo ông, điều quan trọng nhất là chính bản thân sinh viên, nhà trường, từng giảng viên một phải nhận thức được vị trí của mình : "Mình phải đầu tư để có ngoại ngữ tốt. Ngoại ngữ tốt không những giúp chúng ta đơn thuần ở góc độ học thuật, là trao đổi mà còn giúp chúng ta tiếp cận tri thức mới nhanh hơn”, Tiến sĩ Viên nói.

Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài cũng cho biết thêm, đây là hoạt động nằm trong Dự án nghiên cứu khoa học cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT giao cho Trường Đại học Kinh tế TPHCM thực hiện, nội dung các giải pháp thúc đẩy quốc tế hóa hệ thống giáo dục Việt Nam, trong đó có giáo dục đại học. 

Các nghiên cứu, trao đổi, đề xuất giải pháp nhằm làm rõ thông điệp: hệ thống đại học Việt Nam phải tạo ra nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hướng đến đào tạo sinh viên trở thành công dân khu vực cũng như toàn cầu.