Chính phủ yêu cầu không tăng học phí đại học, nhiều trường “bối rối”

VOH - Trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81, Phó thủ tướng yêu cầu không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất với các bộ có liên quan sửa đổi các quy định theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81 và không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường đại học công lập trên cả nước đã công bố mức học phí tăng theo lộ trình; không ít trường đã thu học phí theo mức mới và phải hoàn trả lại cho sinh viên.

Học viện Hàng không Việt Nam
Học viện Hàng không Việt Nam đang thực hiện phương án hoàn trả, khấu trừ học phí cho hàng ngàn sinh viên

Xem thêm: Nhiều trường đại học tại TPHCM sẽ tăng học phí từ năm học 2023-2024

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, việc Chính phủ đề nghị các trường không tăng học phí năm học mới sẽ gây ra một số khó khăn cho việc thực hiện kế hoạch tài chính của nhà trường. 

Vì nguồn thu bị ảnh hưởng, thay đổi đột ngột theo hướng điều chỉnh giảm trong khi các khoản chi không thể thay đổi, sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững trong kế hoạch tài chính của nhà trường. Việc này đặc biệt ảnh hưởng đến lộ trình đầu tư, thực hiện các mục tiêu trong chiến lược phát triển của trường.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM) cho biết, tháng 3/2023 trường công bố mức học phí của các chương trình đào tạo giai đoạn tự chủ năm học 2023 - 2024 tăng 10% so với năm học trước. 

Việc Chính phủ thông báo chủ trương không tăng học phí vào thời điểm giữa năm khi mọi thứ đã được triển khai khiến trường rất bị động. Nguồn thu của trường chủ yếu đều từ học phí. Vì thế, các hoạt động dự kiến thực hiện liên quan đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng và trải nghiệm cho người học trong năm học 2023 - 2024 đều bị ảnh hưởng mạnh.

Đối với khóa tuyển sinh năm 2023, Trường Đại học Tài chính - Marketing xác định tăng học phí và đã công bố mức: 25 triệu đồng/năm (chương trình chuẩn); 30 triệu đồng/năm (chương trình đặc thù); 40 triệu đồng/năm (chương trình tài năng, tích hợp); 60 triệu đồng/năm (chương trình tiếng Anh toàn phần).

TS Lê Trung Đạo - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Khóa học này chưa nhập học nên chưa thu học phí. Việc điều chỉnh học phí trường sẽ thực hiện khi có hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Qua 4 năm trường không tăng học phí đã gây áp lực rất lớn đến công tác điều hành tài chính, trong đó kinh phí để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, các khoản chi cho con người cũng bị ảnh hưởng”. 

PGS.TS Ngô Quốc Đạt - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết, trường được Bộ Y tế giao tự chủ mức hai theo Nghị định 60 (đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên) từ năm 2020. Việc không được tăng học phí gây nhiều khó khăn cho trường, do vậy trường không thể vận hành tốt được.

Thống kê cho thấy, nguồn thu của đa số các trường/đại học hiện nay chỉ dựa vào học phí và ngân sách cho giáo dục còn hạn chế. Nguồn thu lệ thuộc vào học phí trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến việc tuyển sinh và đào tạo của các trường gặp nhiều thách thức.

Bình luận