Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chinh phục tấm bằng tiến sĩ ở tuổi 69

(VOH) - Bà Nguyễn Thị Hồng Cúc được xem là một trong những nghiên cứu sinh lớn tuổi nhất tính đến nay.

Hơn 3 giờ đồng hồ theo dõi buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại, diễn ra tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Hồng Cúc – sinh năm 1952 vẫn giữ một phong thái chững chạc, khỏe khoắn, bà mạch lạc tự tin trình bày từng vấn đề, giải đáp từng câu hỏi trước các thành viên hội đồng đánh giá.

Sau khi nghe Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Trường công nhận kết quả của mình, bà xúc động như trút được một gánh nặng. Nói như Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Minh Hồng tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, bà Nguyễn Thị Hồng Cúc là một trong những nghiên cứu sinh lớn tuổi nhất tính đến thời điểm này.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Hồng Cúc tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Hồng Cúc tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ.

Hơn 6 năm miệt mài với đề tài nghiên cứu, thế nhưng những vấn đề liên quan đến trường đại học ngoài công lập – là mối quan tâm bền bỉ của bà Nguyễn Thị Hồng Cúc trong suốt quá trình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu.

Cho đến khi bà về hưu, bà quyết tâm chinh phục tấm bằng tiến sĩ ở cái tuổi 69. Đó là luận án “Sự phát triển đại học ngoài công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh (1992-2012)”, chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại, do Giáo sư Tiến sĩ Võ Văn Sen và Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Thuận hướng dẫn.

Ở luận án của mình, bà đã phác họa toàn cảnh các trường đại học ngoài công lập tại thành phố trên nhiều góc độ: quan điểm, chủ trương của Nhà nước và quá trình xây dựng, phát triển, tìm hiểu những vấn đề cần làm rõ và những vấn đề đang đặt ra trong nhận thức về loại hình cũng như trong tổ chức, quản lý đại học ngoài công lập. Ngoài ra, luận án cũng mong muốn làm rõ những đóng góp của các đại học ngoài công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như những khuyết điểm mà các đại học ngoài công lập với cái nhìn khoa học. Từ đó, rút ra những thành tựu, hạn chế, đặc điểm, xu hướng phát triển và đề xuất một số giải pháp. 

Có lẽ, với Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Hồng Cúc là một nghiên cứu sinh rất đặc biệt, đặc biệt ở tuổi tác, đặc biệt ở chính sự nỗ lực đến cùng của bà. Tiến sĩ Lưu Văn Quyết, Trưởng khoa Lịch sử của trường này nhớ lại, lúc bà Cúc thi vào trường, khi ấy bà mới 63 tuổi. Suốt gần 7 năm miệt mài học tập và nghiên cứu, bà Cúc đã nỗ lực rất nhiều.

Tiến sĩ Quyết kể, thời điểm khi bảo vệ luận án cấp đơn vị chuyên môn xong, bà bị bệnh tai biến nhẹ phải nằm bệnh viện. Lúc ấy, mọi người đều lo rằng không biết bà có đi đến kết quả cuối cùng hay không? "tuy nhiên, với sự nỗ lực và phấn đấu, cô Cúc đã vượt qua được. Điều đó chứng tỏ sự học tập nghiêm túc, không kể tuổi tác, không kể học để làm gì. Bản thân nghiên cứu sinh cũng phát biểu bây giờ tôi nhận bằng tiến sĩ tôi cũng không để làm gì, thế nhưng đối với chúng tôi thì đây lại là động lực để thế hệ trẻ nhìn vào cô mà noi theo. Đây là học thực, học cho bản thân, học cho xã hội, học để tìm hiểu chứ không phải học vì danh lợi. Chúng tôi đánh giá rất cao điều đó”.

Ở góc độ khác, trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam hội nhập giáo dục toàn cầu, Giáo sư Tiến sĩ Võ Văn Sen – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, một trong hai người hướng dẫn khoa học của nghiên cứu sinh Hồng Cúc, cho rằng, một trong những xu hướng của thế giới, đó là không chỉ có những người trẻ học tập nghiên cứu, bảo vệ luận án tiến sĩ khi còn trẻ, đó là một hướng. Nhưng, ở một nhánh khác, nhất là trên thế giới, có những người đã cống hiến trong lĩnh vực hoạt động của mình, tích lũy kiến thức kinh nghiệm, sau đó khi về hưu họ lại quay trở lại ghi danh vào các trường đại học để họ tiếp tục nghiên cứu, công bố công trình khoa học cả đời của mình.

“Những đề tài nghiên cứu này không giống như đề tài của các nghiên cứu sinh trẻ, mà gần như là sự tích lũy cả đời để họ công bố công trình đó dưới dạng luận án tiến sĩ. Như vậy, những người lớn tuổi, cũng như trường hợp của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Hồng Cúc – cô đã hoạt động trong lĩnh vực đại học ngoài công lập suốt cuộc đời của mình. Đến giờ, quá trình tích lũy đó cộng với việc nghiên cứu thêm, cô Cúc đã trình bày luận án tiến sĩ của mình, đây là đúc kết, nghiên cứu cả đời của cô Cúc. Tôi nghĩ đó là một biểu hiện của chúng ta trong việc hội nhập với thế giới về giáo dục đại học và sau đại học”, Giáo sư Tiến sĩ Võ Văn Sen nói.

Không giấu được vẻ xúc động sau buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của mình, bà Nguyễn Thị Hồng Cúc chia sẻ trong bà có những cảm xúc vui lẫn hạnh phúc khi hoàn thành tâm nguyện của mình, một đề tài nghiên cứu trong hơn 6 năm – nhưng cũng là hành trình tìm tòi, nghiên cứu cả cuộc đời bà dành cho vấn đề các trường đại học ngoài công lập. Bà xúc động kể, trong hành trình theo đuổi đề tài, có những lúc khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tư liệu, cộng với những bất lợi về tuổi tác, bà cũng đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng, chính sự động viên kịp thời của các giảng viên hướng dẫn, của Khoa Lịch sử, những lời động viên đã xốc lại tinh thần bà tiếp tục chiến đấu.

Chinh phục tấm bằng tiến sĩ ở tuổi 69

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Hồng Cúc tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ.

Bà chia sẻ, dù luận án “Sự phát triển đại học ngoài công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 1992 - 2012” đã được bảo vệ thành công, nhưng những vấn đề khó khăn, khúc mắc của các trường đại học ngoài công lập hiện tại thì vẫn đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu và giải quyết nhiều vấn đề. “Khi tôi nghiên cứu về vấn đề lịch sử thì tư liệu về khoa mở trong trường đại học công ở giai đoạn năm 1988, không có số liệu. Lúc ấy thầy Oanh (Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Minh Oanh) hỏi tôi về việc đi kiếm số liệu, tôi phải chạy ra ngoài Bộ, may mà tôi tìm ra số liệu này. Nên tôi nghĩ về việc này thì tôi có đóng góp. Có những chuyển biến, từ khoa mở trong trường đại học công rồi mới đến việc thành lập trường đại học mở. Rồi từ đó, mới thấy nhu cầu xã hội, mới thấy được tính cấp thiết của việc thành lập trường đại học dân lập, lúc đó vẫn còn e dè”, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Hồng Cúc chia sẻ.

Gửi gắm đến những người trẻ, bà chỉ muốn chia sẻ một điều đơn giản rằng, nếu các bạn có một mục tiêu trong cuộc đời thì cỡ nào bạn cũng có thể đi tới. Không phải vì vấn đề gia đình, hay tuổi tác, ngay cả khi về hưu, chúng ta vẫn có thể thực hiện được mục tiêu đời mình. Và, ở tuổi 69, bà đã làm được! 

TPHCM kết thúc năm học 2019-2020 trước 15/7 - UBND TPHCM vừa ban hành Quyết định về điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 của khối giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

 

TPHCM công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2020-2021 - Với cấp học mầm non, huy động 100% trẻ 5 tuổi đang cư trú trên địa bàn vào trường mầm non theo tuyến quy định; tổ chức nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi.
Bình luận