Chủ động chọn ngữ liệu triển khai Chương trình mới

(VOH) - Sau những tranh luận quanh bộ sách Cánh Diều, giáo viên và các trường tiểu học tại TPHCM linh hoạt chọn lựa ngữ liệu để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong quá trình chờ những điều chỉnh chính thức từ nhóm tác giả viết sách và những hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, những ngày qua, các trường tiểu học và giáo viên đang giảng dạy chương trình lớp 1 đã có bước chủ động để chuyển tải đến học sinh những nội dung bài học giàu ý nghĩa và dễ tiếp nhận nhất.

Cách làm này cũng được cô giáo Phạm Ngọc Hoài Ngân, Tổ trưởng khối 1, Trường tiểu học Mê Linh, Quận 3 thực hiện. Giáo viên này chia sẻ, thoạt đầu khi nghe những thông tin phản hồi về những "hạt sạn" trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ Cánh Diều đang giảng dạy, bản thân cũng khá hoang mang. Tuy nhiên, tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn cũng như sự kiểm chứng của bản thân, giáo viên này nhận thấy những từ địa phương, những câu chuyện như "Cua, cò và đàn cá", "Lừa, thỏ và cọp" hay "Hai con ngựa" phần lớn đều là những câu chuyện ngụ ngôn quen thuộc với tuổi thơ của nhiều người. Những câu chuyện này cũng có những ý nghĩa giáo dục nhất định.

Quan trọng là giáo viên định hướng như thế nào cho học sinh trong quá trình giảng dạy. Đối với những từ ngữ mang tính địa phương vùng miền như "nhá", "tợp", "chén"... giáo viên có thể cung cấp thông tin, giải thích thêm để các em hiểu, chứ không nhất thiết học sinh phải đọc đúng từ đó.

"Những ngữ liệu hoặc từ ngữ khó, giáo viên có thể cung cấp cho các bạn biết hoặc thay đổi từ ngữ. Giáo viên có quyền chủ động, có thể đưa từ mới, hoặc bỏ từ đó ra luôn nếu cảm thấy học sinh mình khó hiểu hoặc giảng giải cho các em hiểu", cô Hoài Ngân chia sẻ thêm.

Chủ động chọn ngữ liệu triển khai Chương trình mới
Bộ sách Cánh Diều. Ảnh minh họa: SGGP

Tại trường tiểu học Hoà Bình, Quận 1, tổ giáo viên khối lớp 1 cũng thường xuyên ngồi lại, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ góc nhìn, dự báo những khó khăn trong quá trình giảng dạy chương trình sách giáo khoa mới. Cô Đặng Kiều Diễm Dung cho biết, bản thân luôn lên kế hoạch giảng dạy trước 2 tuần. Quá trình họp tổ bộ môn giúp mỗi giáo viên có cái nhìn đa chiều về bộ sách và định hướng giảng dạy. Giáo viên này cho biết: "Lúc giáo viên họp với nhau, nếu cảm thấy không phù hợp, giáo viên sẽ thay đổi, định hướng cho các con. Không phải thay nhiều, có thể chỉ thay một số từ ngữ trong đó. Ví dụ, chúng tôi có thể lấy từ bài của sách khác và photo cho các em. Có thể từ sách "Chân trời sáng tạo", "Kết nối tri thức" miễn phù hợp thì chúng tôi chọn photo ra và hướng cho các em".

Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, Quận 8 cũng là một trong số những trường học chọn lựa bộ sách Cánh Diều trong thực hiện Chương trình phổ thông 2018. Đối với những tranh cãi xung quanh một số ngữ liệu trong sách Tiếng Việt 1, bà Lê Huỳnh Diễm Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn đồng thời là phụ huynh có con đang học lớp 1 cho rằng, xét ở góc độ nào đó các từ ngữ mang tính địa phương cũng giúp học sinh mở rộng vốn từ. Giáo viên có thể dùng những từ ngữ miền mình để giải thích cho học sinh hiểu và nắm bắt thêm từ vựng mới.

Nhà trường cũng linh hoạt chỉ đạo giáo viên chủ động trong việc chọn lựa ngữ liệu phù hợp mục tiêu của bài, chương trình, sao cho dễ hiểu, gần gũi với các con. Vị hiệu trưởng này cho rằng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 có  hình ảnh bắt mắt phù hợp với học sinh tiểu học, rèn cho học sinh cả kỹ năng nghe - nói. Sách đưa ra hình ảnh, sự vật phù hợp với âm, vần trẻ đang học, qua đó giúp học sinh phát triển ngôn ngữ của mình: "Khi học sinh nhìn hình ảnh, các em sẽ biết nói "bật" ra, sẽ tư duy. Con nói một cách rất tự nhiên theo quy luật. Sau đó, giáo viên sẽ xoáy mạnh thêm kỹ năng đọc, viết là những kỹ năng cao hơn. Nói chung, sự sắp xếp của sách cũng trật tự và hay.

Sau đó, các em sẽ trả lời những câu hỏi của các cô. Các em sẽ phát triển vốn từ mình tốt hơn. Có thể là những từ các em biết trước đó với âm, vần, tiếng vừa được học, các em có thể nói theo hiểu biết của mình. Sau đó, giáo viên sẽ định hướng một cách cụ thể và mang tính giáo dục qua từng bài".

Địa bàn quận Tân Phú, năm học này cũng có 2 trường sử dụng bộ sách giáo khoa Cánh Diều để triển khai chương trình giáo dục mới. Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, giáo viên giữ vai trò quyết định trong việc lựa chọn sách giáo khoa cũng như các ngữ liệu. Khi lựa chọn bộ sách để triển khai giảng dạy, giáo viên đã nắm được tinh thần của bộ sách nên việc nắm bắt triển khai cũng như thông tin, giải đáp, tháo gỡ nhanh chóng thắc mắc của phụ huynh....

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo Hội đồng thẩm định và nhóm tác giả bộ sách Cánh Diều đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và đang xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính.

Xung quanh vấn đề này, Phó Trưởng phòng Giáo dục Quận Tân Phú nêu quan điểm: "Mình đang chờ Nhóm tác giả điều chỉnh thế nào. Nếu giáo viên cảm thấy phù hợp sẽ thực hiện theo yêu cầu của nhóm, nếu không phù hợp, giáo viên có thể bỏ nội dung đó, không dạy. Chứ không phải, chúng ta cho rằng không phù hợp, rồi phê bình.

Thời điểm này không phê bình mà căn cứ vào những nội dung để chọn lựa và dạy, phù hợp với mục tiêu bài dạy, phù hợp với tinh thần Thông tư 32, đặc biệt giáo viên là người chủ động với chương trình. Giáo viên khi dạy, "sản phẩm" đó là của giáo viên chứ không đổ lỗi cho sách".

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3 cho rằng, mỗi bộ sách đều có giá trị như nhau trong việc chuyển tải nội dung chương trình vì được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định. Nhiệm vụ của các trường làm sao thông qua bộ sách, ngữ liệu đã chọn, chuyển tải được chương trình với các mục tiêu, triết lý, các yêu cầu về phẩm chất năng lực cho học sinh.

Phó trường phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3 phân tích thêm: "Khi tiếp cận một chương trình với nhiều bộ sách sẽ đặt ra thử thách cho giáo viên. Chúng tôi cho rằng những khó khăn, thử thách lại biến thành thời cơ thuận lợi. Thông qua việc tìm hiểu chương trình, sách giáo khoa với sự hướng dẫn của tổ công tác chuyên môn, giáo viên được trang bị thêm kiến thức cảm thấy vững chãi, tự tin. Đặc biệt khi tiếp cận nội dung của nhiều bộ sách khác nhau lại cho họ có nguồn học liệu phong phú khi thực hiện".

Sau gần 20 năm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2000, việc thay đổi để hướng đến xây dựng con người với những năng lực phẩm chất mới, phù hợp với yêu cầu của thời đại là việc làm cấp thiết. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho rằng, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là chủ trương lớn của quốc gia nhưng sự thành công của chương trình được quyết định bởi chính từng giáo viên.

Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP giải thích thêm: "Sách giáo khoa là tài liệu cơ bản và chủ yếu để giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học nhưng nó không bắt buộc, là căn cứ pháp lý như trước đây. Trước đây, sách giáo khoa là pháp lệnh, không được dạy sai. Nhưng bây giờ cần thay đổi quan điểm. Sách giáo khoa là tài liệu phục vụ dạy học, chương trình mới là pháp lệnh. Bám theo chương trình, thực hiện phẩm chất năng lực từ chương trính yêu cầu".

Trường tiểu học là nơi dạy cho trẻ những điều hay lẽ phải, là nơi vẽ nên những nét vẽ đầu đời của "tờ giấy trắng". Vì vậy những nét vẽ đó cần chính xác, sắc nét và thực sự ý nghĩa. Nhiệm vụ người lớn, người giáo viên là phải giữ cho tờ giấy ấy được tinh tươm, trong sáng.

Ý thức được điều đó, những thầy cô giáo lớp 1 hàng ngày vẫn chăm chút, chọn lọc, tạo những điều kiện tốt nhất cho học sinh được học tập và phát triển, để giáo dục tiểu học luôn xứng đáng với niềm tin của gia đình và xã hội.