Ngày 31-10, tại Trung tâm báo chí TPHCM, UBND TP tổ chức cuộc họp báo công bố triển khai chương trình Sữa học đường với chủ đề "Chung tay vì một Việt Nam vươn cao".
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Bùi Thị Diễm Thu thông tin tại buổi họp báo
Chủ trì buổi họp báo là lãnh đạo các Sở Y tế, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, đại diện Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Gần 60 cơ quan báo chí tham gia buổi họp báo.
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 1-11, hơn 300 nghìn trẻ em mầm non và học sinh khối lớp 1 trên địa bàn 10 quận huyện (gồm quận 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh) sẽ được uống sữa học đường, dung tích 180ml/lần/ngày với 5 lần/tuần, trong chín tháng của năm học.
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, chia sẻ về chương trình tại cuộc họp báo
Chương trình Sữa học đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được tiến hành theo hình thức xã hội hóa. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp hỗ trợ 20%, phụ huynh chỉ phải đóng 50% chi phí. Riêng đối với các em có điều kiện khó khăn, thành phố và Vinamilk sẽ hỗ trợ uống sữa miễn phí hoàn toàn.
Mục tiêu chung của Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020, nhằm góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học (lớp 1) thông qua hoạt động uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em TP, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Mục tiêu của Đề án, là đến năm 2020 sẽ có 90% cha, mẹ học sinh, người chăm sóc có con con em trong đối tượng của Đề án được truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng; 80% trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 các trường tham gia Đề án được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường; đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 đạt 95%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 tham gia Đề án dưới 4.9%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 tham gia Đề án dưới 7%.
Tại buổi họp báo, các phóng viên nêu nhiều câu hỏi liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng sữa, thời gian thí điểm chương trình, địa điểm triển khai chương trình, hiệu quả chương trình tác động đến thể lực, trí lực của các em học sinh khi tham gia…
Theo đại diện của Công ty Vinamilk sản phẩm sữa cung cấp cho chương trình cung ứng tại TP.HCM là sữa tươi tiệt trùng được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu, hoàn toàn đảm bảo chất lượng và đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hơn nữa, trên bao bì hộp sữa có logo Sữa học đường của Bộ Y tế, giúp phụ huynh học sinh yên tâm về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, trước khi thực hiện đề án, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã lấy ý kiến của phụ huynh ở 10 địa phương triển khai chương trình, trên cơ sở đồng thuận mới thực hiện. Chương trình trên cơ sở tự nguyện, không phải là bắt buộc. Bởi không phải em nào cũng tiếp nhận được sữa và hiện phụ huynh cũng sử dụng nhiều loại, chương trình không bắt buộc. Bà Thu khẳng định, việc tham gia chương trình dựa trên tinh thần tự nguyện, không đưa vào tiêu chí thi đua.
Đại diện Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi biết đơn vị trúng thầu là Vinamilk, Ban đã phối hợp với công ty và các sở tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại nhà máy sản xuất, từ điều kiện sản xuất, lưu kho, vận chuyển, phân phối, ngoài ra cũng lấy mẫu trong 2,5 triệu hộp sữa trong lô đầu tiên đi kiểm định. Các kết quả đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Về thời gian thí điểm ở 10 quận, huyện trong học kỳ 1 năm học 2019-2020, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, sau 1 học kỳ triển khai, Ban chỉ đạo sẽ đánh giá lại, trình xin ý kiến HĐND TP về việc triển khai đề án. Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng nhận định, qua khảo sát cho thấy việc tăng trưởng chiều cao có nhiều yếu tố tham gia, trong đó dinh dưỡng đóng góp một phần rất lớn. Ở Việt Nam, nhìn chung trong cả nước chiều cao tăng trưởng còn khiêm tốn so với thế giới, dù chiều dài khi trẻ sinh ra không thua kém các nước trên thế giới. Nhưng từ 13 tuổi trở đi bắt đầu có sự khác biệt ngày càng nhiều. Vì vậy ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng đề án này sẽ tác động đến chiều cao, dĩ nhiên là cũng cần thời gian chứ không thể ngày một ngày hai.
Trước lo ngại của nhiều phụ huynh rằng con em béo phì thừa cân có nên tham gia chương trình Sữa học đường hay không? Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, chương trình Sữa học đường sẽ cung cấp 2 loại sữa: sữa không đường và sữa có đường. Theo đó, trẻ thừa cân, béo phì sẽ được sử dụng sữa không đường.
Trẻ mầm non, học sinh lớp 1 tại 10 quận, huyện TP Hồ Chí Minh được uống sữa học đường
Bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho chia sẻ tại buổi họp báo, hiện đã thống kê, khảo sát chiều cao của các cháu trước khi tham gia đề án. Theo bác sĩ Phan Thanh Tâm, tác động đến chiều cao có các yếu tố lớn là di truyền, vận động và dinh dưỡng. Dinh dưỡng thể hiện vai trò ngày càng lớn, nhất là giai đoạn trước 15 tuổi. Sữa học đường là một trong những giải pháp cung cấp dinh dưỡng tốt cho chiều cao. Đây cũng là khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam.
Trên thế giới có 60 quốc gia triển khai chương trình Sữa học đường. Tại Việt Nam, chương trình này cũng đang được triển khai tại 17 tỉnh, thành như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Nam, Ninh Thuận… thu được những kết quả đáng khích lệ trong việc cải thiện thể chất, điều kiện dinh dưỡng của trẻ em và nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của chính quyền địa phương, nhà trường và đông đảo phụ huynh.