Chờ...

Chuyển đổi số - Tiền đề xây dựng trường học thông minh

(VOH) - Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc số hoá dữ liệu học tập cũng như công tác quản lý trường học là một yêu cầu tất yếu cho sự phát triển.

Thời gian qua, ngành giáo dục thành phố không chỉ thu được nhiều kết quả khích lệ trong các kỳ thi, trên những sân chơi học thuật mà học sinh thành phố còn được hướng đến phát triển năng lực phẩm chất của công dân toàn cầu.

Trong đó, việc triển khai chuyển đổi số, thiết lập mô hình trường học thông minh được xem như nền tảng cơ bản để những công dân trẻ thích ứng và hội nhập tốt hơn trong tương lai.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Lương Đinh Của, Quận 2, tra cứu thông tin tại thư viện
Học sinh Trường Trung học cơ sở Lương Đinh Của, Quận 2, tra cứu thông tin tại thư viện. 

Ngồi tại nhà hay đang ở công ty phụ huynh vẫn biết được con em mình đã vào đến trường hay chưa, mua đồ ăn thức uống gì, thực đơn bán trú hôm nay như thế nào... Tất cả đều thể hiện qua một cú chạm bằng thẻ từ của học sinh. Nhiều năm trước, cách làm này dường như là công việc xa lạ, nằm ngoài phạm vị các trường học. Nhưng từ năm 2018, học sinh tại một số trường trên địa bàn thành phố đã bắt đầu làm quen và cảm thấy thích thú với hình thức quản lý mới mẻ, tiện lợi này.

Em Phan Nguyễn Gia Hân, Lớp 9/2, Trường Trung học cơ sở Lý Thánh Tông, Quận 8, cho biết: "Con thấy cái thẻ rất tiện lợi, không cần sử dụng tiền mặt. Con mua cái gì ba mẹ con đều có thể biết, giúp con quản lý chi tiêu hợp lý hơn. Tiền mặt có những nguy hiểm, việc không sử dụng tiền mặt rất an toàn đặc biệt với học sinh tụi con." 

Để triển khai mô hình, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã phối hợp với với các đơn vị đối tác, ghi nhận ý kiến và tìm hiểu thêm về nhu cầu thực tế trong hoạt động quản lý nhà trường, tình hình triển khai đề án thẻ học đường tại 12 trường học. Sau đó, thống nhất triển khai thí điểm tại một số đơn vị.

Ông Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều, Quận Tân Bình, một trong những đơn vị triển khai thí điểm mô hình, cho biết phía nhà trường luôn nêu ra những tình huống, dự báo khó khăn có thể xảy ra để phía đơn vị cung cấp có hướng xử lý tốt nhất. Từ việc ùn tắc giao thông khi cùng lúc tiếp nhận một số lượng lớn học sinh vào trường, đến khả năng cung cấp dịch vụ vào giờ cao điểm... Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là làm sao hình thành nơi học sinh những thói quen ứng xử văn minh và tác phong hiện đại: "Thay vì vào tới sân trường mới điểm danh, thì nhà trường có thể đặt cổng ra vào kiểm soát an ninh. Tức là các em tag thẻ vào là được vào trường, vừa là điểm danh, các em có trật tự ngay từ ngoài cổng trường. Từ đó, tác động đến việc hình thành tác phong hiện đại nơi các em phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Với cách giải quyết là đặt 4-5 POS để giải quyết ùn ứ, học sinh sẽ chủ động chọn nơi để điểm danh nhanh nhất mà không cần phải chờ đợi lâu."   

Thành phố năng động sáng tạo nên ngoài công tác quản lý, việc trang bị các phương tiện, tạo ra môi trường học tập thuận lợi cũng là một trong những công tác được quan tâm hàng đầu. Trong đó, quá trình số hoá thư viện, tạo nguồn tư liệu phong phú và trực quan cũng là một trong những nội dung được ngành và xã hội quan tâm đầu tư. Những năm qua, nhiều thư viện của các trường học trên địa bàn thành phố đã được đầu tư thông qua các hình thức, từ xã hội hoá đến các đề án kích cầu đầu tư... Từ đó, giúp quá trình học tập của học sinh được hiệu quả hơn, phạm vị kiến thức được mở rộng hơn nhờ kho học liệu mở, kết nối toàn cầu. Em Hoàng Phương Nghi, lớp 9A1, Trường Trung học cơ sở Lương Định Của, Quận 2, cho biết mỗi tuần em đến thư viện 2 lần. Thư viện số mang lại cho em nhiều thuận lợi:

"Lúc trước, khi vô thư viện tụi con phải đi tìm sách, rồi lật trang... lâu lắm. Giờ có máy tính bảng, nó tiện hơn trong việc tìm trang, tìm sách, mà chỉ cần 1 máy tính bảng là đã có được nhiều nội dung sách. Còn nếu sách truyền thống thì phải nguyên chồng sách mới được nhiều môn. Nội dung cũng rất phong phú, lúc thì tụi con được xem về sự hình thành của trái đất, hoặc xem các chủng loại khủng long...”.

Bà Vũ Thị Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Định Của, cho biết, đơn vị được một doanh nghiệp tài trợ hệ thống thư viện số bao gồm phòng đọc trang bị các thiết bị và nguồn dữ liệu số, phòng chiếu phim 3D... Nhà trường xếp lịch đọc sách cụ thể hàng tuần cho học sinh hai khối 6, 7. Riêng khối 8, 9, việc đọc sách không xếp vào thời khóa biểu mà đưa vào tiết sinh hoạt chủ nhiệm hoặc hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh. Phó hiệu trưởng này cho biết, thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục trang bị thêm các đầu sách số, các tư liệu phim ảnh để phục vụ hiệu quả việc học tập của các em.

TPHCM là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội, cũng như  trung tâm văn hoá - giáo dục lớn của cả nước, việc chuyển đổi số, trang bị nền tảng ứng dụng thông minh để nâng cao hiệu quả dạy học, xây dựng tác phong hiện đại của thế hệ công dân tương lai là một yêu cầu nền tảng thiết yếu.

Mới đây, trong buổi Lễ phát động hưởng ứng học tập suốt đời, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định sự ra đời và phát triển không ngừng của công nghệ thông tin đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho mọi tầng lớp nhân dân tiếp cận phương thức học tập mới. Vì vậy, Phó Chủ tịch lưu ý: "Thành phố chúng ta đang ở năm đầu tiên triển khai chương trình chuyển đổi số, song song với việc tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia. Ngành giáo dục hơn ai hết phải là ngành đi đầu trong công tác chuyển đổi số và phải biết tận dụng tối đa những lợi thế mang lại từ công cuộc chuyển đổi này để cải thiện môi trường học tập, giúp cho người dân thành phố có cơ hội tiếp cận nhiều hơn nữa với những tri thức của nhân loại, ứng dụng vào công cuộc xây dựng phát triển TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung."

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc số hóa dữ liệu học tập cũng như công tác quản lý trường học là một yêu cầu tất yếu cho sự phát triển. Những bước đi thận trọng nhằm cân nhắc giữa lợi ích và bất cập đã được triển khai, nhiệm kỳ mới chính là lúc ngành giáo dục thành phố cần đẩy mạnh và hiện thực hoá những yêu cầu của giai đoạn mới. Từ đó, hướng đến xây dựng, phát triển và khẳng định vị trí trung tâm giáo dục của cả nước và khu vực.