Công bố 10 tài năng trẻ đạt giải thưởng KHCN Thanh niên Quả cầu vàng 2016

(VOH) - Ngày 29/12, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ trao giải thưởng Khoa học Công nghệ Thanh niên Quả cầu vàng và phần thưởng nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ 2016.

Đây là niềm vui, niềm tự hào và là động lực rất lớn để những tài năng trẻ tiếp tục cống hiến cho nền khoa học công nghệ của nước nhà.

Trao thưởng cho 10 tài năng trẻ nhận giải thưởng Khoa học Công nghệ Thanh niên Quả cầu vàng 2016. Ảnh: dan tri

Hội đồng bình chọn giải thưởng thanh niên Quả cầu vàng đã trao 3 giải thưởng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, 2 giải thưởng về lĩnh vực công nghệ môi trường, 2 giải thưởng trong lĩnh vực công nghệ y dược, 2 giải thưởng cho lĩnh vực công nghệ vật liệu mới và 1 giải thưởng về lĩnh vực Công nghệ sinh học.

Trong 10 tài năng trẻ được trao tặng giải thưởng Quả cầu vàng Khoa học công nghệ thanh niên 2016, có 6 gương mặt đến từ TPHCM. Trong đó, Tiến sĩ Trương Hải Nhung, Phó trưởng khoa Khoa Sinh học & Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên  nhận giải thưởng trong lĩnh vực Công nghệ sinh học. Chia sẻ cảm xúc sau khi nhận giải thưởng tại Hà Nội, Tiến sĩ Trương Hải Nhung, bày tỏ: "Nhận giải thưởng này, mình rất vui và cũng thấy nhiều trách nhiệm. Năm nay có 10 giải Quả cầu vàng. Các anh chị đều có những thành tích về nghiên cứu khoa học rất xuất sắc. Mình biết là giải thưởng vinh danh bên cạnh sự ghi nhận những nỗ lực trong thời gian vừa qua, cũng là động lực để phấn đấu tiếp tục trong quãng đường sắp tới để có thể tiếp tục con đường nghiên cứu, đóng góp cho khoa học công nghệ nơi mình làm việc cũng như của Việt Nam".

Cũng trong niềm tự hào khi nhận giải thưởng uy tín của khoa học công nghệ Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đức Tùng, công tác tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tự nhủ lòng sẽ còn tiếp tục phấn đấu hơn nữa: "Tôi cũng rất vui và tự hào vì những đóng góp của mình đã được TW Đoàn và các cơ quan, Bộ Khoa học Công nghệ, Nhà nước ghi nhận. Đồng thời cũng cảm thấy trách nhiệm vì mình còn phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với giải thưởng uy tín có bề dày nhiều năm này".

Sau khi nhận giải thưởng, các tài năng trẻ đã đến thăm Văn phòng Chủ tịch nước và gặp gỡ Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Đại diện của miền Trung nhận Quả cầu vàng năm nay, Tiến sĩ Hà Thị Kim Thanh, Chuyên viên Trung tâm Công nghệ Sinh học, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng, chia sẻ: "Cảm giác vinh dự khi được gặp Phó Chủ tịch nước và được nghe Phó Chủ tịch nước và những gửi gắm dành cho những bạn giải quả cầu vàng và những đóng góp của nghiên cứu khoa học cho sự phát triển của Việt Nam. Mình nghĩ đó là vinh dự và cảm thấy mình cần có trách nhiệm nhiều hơn, đóng góp không ngừng cho sự nghiệp phát triển khoa học".

Các tài năng trẻ đoạt Giải thưởng Khoa học Công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng và Phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật 2016 cũng đã tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám và giao lưu với sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Danh sách 10 cá nhân nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng 2016 và thành tích tiêu biểu:

1. Tiến sĩ Lê Đức Tùng, sinh năm 1984, Giảng viên Viện Điện-Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu quốc tế về Khoa học và kỹ thuật tính toán, Đại học Bách khoa Hà Nội. TS Tùng đã công bố 6 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI, 13 báo cáo khoa học tại hội nghị quốc tế, chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước và nhiều đề tài cấp trường.

2. Phạm Việt Khôi, sinh năm 1994, Sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM đạt Giải Nhất lập trình ACM/ICPC Việt Nam năm 2014; Hạng 7/56 đội tại kỳ thi lập trình ACM/ICPC Châu Á – khu vực tổ chức tại Singapore 2015; Giải Nhất lập trình ACM/ICPC Châu Á – khu vực Việt Nam tại Hà Nội năm 2015; Giải nhì Giải thưởng Nhân Tài Đất Việt năm 2015 về ứng dụng trên thiết bị di động với sản phẩm BusMap - Xe buýt TPHCM. Tác giả của 2 bài báo khoa học quốc tế về Human-Computer Interaction của Ý năm 2014 và Mỹ năm 2015.

3. Tiến sĩ Dương Trọng Hải, sinh năm 1981, giảng viên Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. TS Hải có 17 bài báo đăng trên Tạp chí quốc tế (trong đó có 13 bài thuộc danh mục ISI), 26 bài báo đăng trên kỷ yếu Hội nghị Quốc tế, đồng tác giả của 5 cuốn sách. Thành viên chính đề tài cấp nhà nước (Nafosted) và chủ nhiệm 4 đề tài cấp cơ sở.

4. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1983, nghiên cứu viên, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. TS Hùng đã công bố 21 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI, 12 bài báo ở các hội thảo trong nước và quốc tế, 1 sách chuyên khảo bằng tiếng Anh (xuất bản ở Đan Mạch), chủ nhiệm 3 đề tài cấp cơ sở.

5. Tiến sĩ Hà Thị Kim Thanh, sinh năm 1986, chuyên viên Trung tâm Công nghệ Sinh học, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng. TS Thanh có 3 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế, 5 bài báo đăng trong kỷ yếu hội thảo khoa học trong và ngoài nước; tham gia 5 đề tài, dự án cấp cơ sở.

6. Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Trinh, sinh năm 1981, giảng viên Bộ môn Dược Lý, Khoa Dược, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. TS Ngọc Trinh đã công bố 26 bài báo khoa học, trong đó có 9 bài báo khoa học trên các tạp chí có uy tín trên thế giới thuộc hệ thống SCI, SCIE; 6 báo cáo khoa học tại hội nghị quốc tế (có phản biện), 10 bài báo khoa học tại hội nghị trong nước). Trong số 26 bài báo khoa học có 1 bài đạt giải Bài báo hay nhất năm 2012 của Tạp chí Dược phẩm Châu Âu.

7. Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hải, sinh năm 1987, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM. ThS Hải có 17 công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí quốc tế, 22 công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí trong nước, 4 báo cáo khoa học tại hội nghị quốc tế, chủ nhiệm 3 đề tài cấp cơ sở.

8. Tiến sĩ Trần Đình Phong, sinh năm 1981, giảng viên Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. TS Phong đã công bố 38 bài báo trên các tạp chí quốc tế thuộc hệ thống ISI, đặc biệt là tạp chí Nature Materials và Nanoletters, đây là hai tạp chí hàng đầu thế giới về khoa học vật liệu. Tổng số trích dẫn cho tất cả các công trình đã công bố là 2100 lần.

9. Tiến sĩ Bạch Long Giang, sinh năm 1983, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. TS Giang có 48 bài báo đăng trên Tạp chí khoa học Quốc tế thuộc danh mục ISI, 12 bài báo đăng trên tạp chí Khoa học Việt Nam và tham gia 18 Hội nghị Khoa học quốc tế về Công nghệ Vật liệu Nano và Ứng dụng, là thành viên của nhiều đề tài, dự án nghiên cứu cấp nhà nước và quốc tế.

10. TS Tiến sĩ Trương Hải Nhung, sinh năm 1985, Phó trưởng Khoa Khoa Sinh học & Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM. TS Nhung có 16 công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí quốc tế, 10 công trình đăng trên tạp chí trong nước, 8 báo cáo tại hội nghị quốc tế, đồng tác giả 3 cuốn sách quốc tế và 1 cuốn sách trong nước.

Bình luận