Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Công khai việc làm sinh viên sau tốt nghiệp: Khó vì sinh viên, doanh nghiệp thờ ơ

(VOH) - Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT chính thức yêu cầu các trường ĐH-CĐ thực hiện điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp và công bố công khai trên website của trường. Việc công khai việc làm phản ánh chất lượng trường đại học, thước đo chất lượng đào tạo của nhà trường đối với xã hội, giúp nhà trường cơ cấu lại ngành nghề đào tạo.

Sinh viên trường Đại học quốc tế (ĐHQG TPHCM) - một trong những trường có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao, lên tới 60% ngay sau khi ra trường và 90% có việc làm trong vòng 1 năm sau khi ra trường ( Ảnh: BN)

Khó kết nối 

Tuy nhiên, để kết quả này có độ tin cậy, trung thực khách quan rất khó đánh giá, bởi mỗi trường có cách thống kê, tiếp cận khác nhau, trong khi Bộ không đưa ra chuẩn chung nào trong việc công khai, cũng như cơ chế kiểm tra đối chiếu.

Việc thống kê sẽ chỉ mang tính chất hình thức, đối phó và không có hiệu quả khi thiếu sự hợp tác của chính người học và doanh nghiệp, đây cũng chính là khó khăn chung của các trường đại học hiện nay.

Ths Nguyễn Thái Châu, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính – Marketing cho hay, thế mạnh của sinh viên trường là có việc làm rất cao, thậm chí được tiếp nhận ngay trong quá trình thực tập, thế nhưng để thống kê con số chính xác thì lại rất khó, doanh nghiệp không hỗ trợ nhà trường, nhận sinh viên của trường nhưng không công khai thông tin hoặc sinh viên thích nhảy việc liên tục, không thông báo về tình hình việc làm cho trường.

“Về việc hỗ trợ sinh viên xin việc, Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp của trường có thế mạnh ở chỗ giới thiệu việc làm liên tục cho sinh viên trong ngày, trong tuần, trong quý. Tổ chức cho sinh viên đi thực tập, tổ chức ngày hội việc làm hàng năm, với sự tham gia của gần 87 doanh nghiệp, 5.000 vị trí tuyển dụng. Trường không đủ sinh viên ngành marketing và ngành bất động sản cung cấp cho xã hội” – ông Châu chia sẻ.

Nhiều trường cũng thừa nhận không thể biết chính xác bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, có đúng chuyên ngành hay không. Thực tế, con số công khai kết quả cũng chỉ thể hiện số lượng nhỏ sinh viên ra trường được khảo sát, chứ không thể tính trên toàn bộ tất cả sinh viên.

Theo Ths Đặng Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, việc thống kê định kỳ hàng năm tình hình việc làm của sinh viên sau một năm tốt nghiệp được tiến hành từ năm 2009 đến nay. Việc khảo sát được tiến hành thông qua phát phiếu hỏi cho sinh viên và doanh nghiệp. Sinh viên và doanh nghiệp có thể trả lời thông qua hình thức trả lời online hoặc trả lời trực tiếp trong phiếu hỏi.

Tuy nhiên, khó khăn trong việc khảo sát, đó là việc nhận kết quả phản hồi của sinh viên và thời gian xử lý số liệu mất nhiều thời gian. Trong khi đó, mặc dù triển khai từ năm học 2005 – 2006 nhưng cho đến năm 2015, Trường ĐH Công Nghiệp Thực phẩm TPHCM mới chú trọng tăng cường khảo sát việc làm sinh viên sau tốt nghiệp.

Ths Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp trường cho hay, với mỗi đợt sinh viên tốt nghiệp, trường chọn khoảng 10 – 15% sinh viên để tiến hành khảo sát. Dù vậy, nhưng không phải sinh viên nào được chọn cũng hợp tác với nhà trường. Vì vậy, kết quả không đảm bảo yếu tố chính xác khách quan, nhưng trường xác định đây là vấn đề sống còn của trường đại học nên phải tăng cường nhiều giải pháp để thực hiện.

Ông nói: “Việc công khai tỷ lệ việc làm là điều bắt buộc của các trường để từ đó, người học, xã hội có thể đánh giá được hai vấn đề. Một là đánh giá được nhu cầu của xã hội thực tế về nhóm ngành nghề. Thứ hai, là thương hiệu, chất lượng đào tạo của trường đó có phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp hay không. Việc này sẽ giải quyết được hai bài toán đó, tạo sự lựa chọn công bằng hơn cho người học”.

Ths Sơn cũng cho hay, khi nhà trường áp dụng phần mềm quản lý đào tạo mới, khi sinh viên ra trường, trường vẫn duy trì tài khoản của họ trên hệ thống và chuyển sang hệ thống cựu sinh viên. Thứ hai, trong chương trình liên quan đến phát phiếu khảo sát trả lời thông tin có thêm phần bốc thăm trúng thưởng để sinh viên có thêm động lực phản hồi.

Có thể nói, nếu có sự phối hợp chặt chẽ từ doanh nghiệp và sinh viên, vấn đề công khai việc làm và tạo việc làm cho người học sẽ thuận lợi hơn. Tại Trường Đại học Kinh tế tài chính TPHCM, việc định hướng nghề nghiệp, theo dõi việc làm của sinh viên được nhà trường tiến hành ngay từ năm nhất. 

Gỡ khó ra sao?

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp nhà trường cho biết, trung tâm thường xuyên tổ chức những hoạt động liên quan đến hướng nghiệp dành cho sinh viên như: chương trình từ giảng đường đến khởi nghiệp, viết bài thu hoạch về chất lượng chương trình, hướng dẫn cách viết CV bằng tiếng Việt, Tiếng Anh.

Về việc thống kê việc làm sinh viên, bà Loan cho biết, trung tâm liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp để chắc chắn rằng sinh viên có một vị trí thực tập, phù hợp với chuyên ngành các em đang học, phù hợp với khả năng và nhu cầu của doanh nghiệp.

Trung tâm đã liên hệ với doanh nghiệp ngay từ bước đầu, nên biết được sinh viên nào có phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp hay không, cơ hội sau thực tập. Nếu doanh nghiệp phản hồi sinh viên chưa phù hợp, không được giữ lại thì sẽ biết được có bao nhiêu sinh viên phù hợp với nhu cầu công việc đó.

“Với những em không được doanh nghiệp giữ lại, trung tâm sẽ tiếp tục làm việc với các em, tư vấn, định hướng cho các em biết được làm thế nào để phù hợp với doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, giúp các em cải thiện những kỹ năng cần thiết để có việc làm ổn định sau thực tập. Đó là cách để chúng tôi nắm được có bao nhiêu sinh viên có việc làm, bao nhiêu em chúng tôi phải hỗ trợ sau tốt nghiệp”, bà Loan cho biết thêm.

Theo khảo sát của trung tâm, tại lễ tốt nghiệp khóa mới đây, có hơn 80% cử nhân có việc làm, được doanh nghiệp giữ lại trong khi thực tập. Đa phần sinh viên ra trường đều có việc làm đúng hoặc liên quan tới chuyên ngành.

Việc làm – không phải khi tốt nghiệp người học mới quan tâm, mà ngay từ khâu đầu vào, nhất là ở bậc THPT, nhiều học sinh đã lo lắng khi chọn ngành học. “Học ngành này/kia ra trường có việc làm không” là câu hỏi đầu tiên mà các chuyên gia tư vấn tuyển sinh nhận được khi tham gia tư vấn cho học sinh  tại các trường THPT.

Trong bối cảnh cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều, thì việc làm là yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng đào tạo của một trường đại học. Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động Thương Binh xã hội TPHCM cho rằng, việc công khai tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là điều rất tốt. Nếu làm tốt khâu này, sẽ hỗ trợ cho người học ngay từ đầu trong công tác hướng nghiệp. Vấn đề đặt ra, ngoại trừ những trường thuộc hàng tốp, có tỷ lệ việc làm sau ra trường thật sự cao, thì một số trường khác lại công khai số liệu ảo.

Ông đề xuất: “Vấn đề đặt ra ở đây, khi Bộ yêu cầu các trường phải thống kê số lượng sinh viên ra trường có việc làm phải theo một biểu mẫu nào đó, chứ không thể nói chung chung. Sinh viên ra trường nhưng làm việc trái ngành, trái nghề cũng cho là có việc làm thì không phải. Tôi nghĩ, đối với các trường khi thống kê tỷ lệ có việc làm sau ra trường, nên căn cứ vào bảng lương. Bởi vì hầu hết các đơn vị sử dụng người lao động, khi nhận người vào làm đều có bảng lương, căn cứ theo đó là hợp lý nhất”.

Việc Bộ GD-ĐT mới đây yêu cầu các trường công khai việc làm của sinh viên tốt nghiệp với mục đích cung cấp, cập nhật thông tin về tình trạng việc làm, khả năng tham gia vào thị trường lao động của sinh viên là điều cần thiết. Trên cơ sở đó, các trường nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, bổ sung, cập nhật nội dung chương trình giảng dạy nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. 

Tuy nhiên, Bộ cần phải đưa ra những chuẩn chung để các trường có cơ sở khảo sát, thống kê theo một mẫu thống nhất để đảm bảo tính chính xác, độ tin cậy của con số tỷ lệ việc làm khi công bố. Nếu không, thì việc khảo sát hay thống kê cũng chỉ mang tính hình thức, đối phó.

Bình luận