Bài thi của Đại học Quốc gia TPHCM có thang điểm 1.200, còn điểm bài thi của Đại học Quốc gia Hà Nội là 150.
Việc chuyển đổi điểm xuất phát từ chủ trương của hai đại học quốc gia về việc công nhận kết quả thi đánh giá năng lực của nhau để tuyển sinh từ năm 2023.
Thí sinh có thể dùng điểm một trong hai bài thi đánh giá năng lực để đăng ký vào Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Quốc gia TPHCM và các trường đại học xét tuyển từ hai bài thi này.
Điểm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) có thể quy đổi với điểm bài thi của Đại học Quốc gia TPHCM (APT) theo công thức: HSA = 0,1103 x APT (0,1103 là hệ số).
Ví dụ: nếu Đại học Quốc gia TPHCM có ngành lấy điểm chuẩn là 850 APT thì để đỗ vào ngành đó, thí sinh thi HSA phải đạt 94 điểm.
Công thức này được khuyến nghị áp dụng với dải điểm thi HSA từ 60 đến 135, ứng với dải điểm bài thi APT từ 500 đến 1.100 và ngược lại với sai số 5%. Dưới 60 điểm, sai số sẽ cao do dữ liệu phân tích đầu vào không có em nào ở mức này.
Những năm trước, nhiều trường dùng kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh nhưng không thể đối chiếu được điểm giữa các thí sinh xét tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực khác nhau. Khi có thang điểm chuyển đổi, các trường có thể sử dụng đồng thời 2 bài thi để xét tuyển.
Năm 2022, hơn 60 trường đại học, cao đẳng sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và 80 trường đại học, cao đẳng sử dụng điểm thi của Đại học Quốc gia TPHCM - để xét tuyển.
Công thức chuyển đổi được tính như thế nào? Công thức chuyển đổi trên dựa theo nghiên cứu từ điểm thi đánh giá năng lực và điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của hơn 10.000 thí sinh. Từ dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT của 2.178 học sinh dự thi HSA và 7.968 học sinh dự thi APT, các chuyên gia đã lọc ra các học sinh có mối tương quan thuận giữa điểm hai bài thi. Sau đó, họ ứng dụng công cụ Toán học đối sánh trực tiếp và kỹ thuật học máy để đối sánh gián tiếp, để đưa ra thang chuyển đổi điểm giữa hai bài thi đánh giá năng lực. |