Cuộc thi Phiên tòa giả định Phiên bản Việt cấp Quốc gia

(VOH) -  VMoot cấp Quốc gia đã trở thành một cuộc thi học thuật uy tín hàng đầu dành cho sinh viên chuyên ngành luật.

Vòng bán kết cuộc thi Phiên tòa giả định Phiên bản Việt (VMoot) cấp Quốc gia năm 2021 vừa khai mạc với 08 đội dự thi đến từ các cơ sở đào tạo luật uy tín trong cả nước. Trải qua 5 năm  (2017 – 2021), VMoot cấp Quốc gia đã trở thành một cuộc thi học thuật uy tín hàng đầu dành cho sinh viên chuyên ngành luật.

Cuộc thi do Trường Đại học Luật TP.HCM đăng cai tổ chức, Phiên tòa giả định là “sân chơi” học thuật phổ biến rộng rãi trên thế giới, nơi sinh viên luật có cơ hội tranh tụng như một luật sư “thực thụ”, bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trước Hội đồng trọng tài.

Cuộc thi Phiên tòa giả định Phiên bản Việt (VMoot) cấp Quốc gia 1
Hội đồng trọng tài giàu kinh nghiệm tại vòng Chung kết VMoot cấp quốc gia 2020 - Ảnh minh họa

Trải qua 5 năm tổ chức, VMoot đã trở thành một trong những cuộc thi học thuật thường niên được sinh viên chuyên ngành luật trong cả nước mong đợi. Cuộc thi hiện sở hữu Fanpage với hơn 14.500 lượt thích, 15.000 người theo dõi, tổng cộng hơn 1500 thí sinh đến từ 45 đơn vị đào tạo luật uy tín trên cả nước tham gia, 500 bài biện hộ được gửi về, 35 vòng tranh tụng được tổ chức với sự tranh tài của 60 đội thi xuất sắc nhất tại vòng đấu Quốc gia. Đồng thời, để phù hợp với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, năm 2021 cuộc thi đã được chuyển đổi sang hình thức trực tuyến, tiến hành tranh tụng thông qua phần mềm Zoom.

Gắn bó cùng cuộc thi trong thời gian qua, theo LS. Nguyễn Tiến Hòa - Luật sư điều hành Công ty Luật SB Law, đây là sân chơi bổ ích, thiết thực mà bất kỳ bạn sinh viên luật nào cũng nên một lần trải nghiệm, đồng thời, dưới góc độ một nhà tuyển dụng, cuộc thi đã giúp công ty tìm ra được những nhân sự đắc lực để hỗ trợ công việc. “VMoot sẽ giúp bạn trau dồi và hình thành tư duy của một luật sư, và thông qua đó, các cơ hội nghề nghiệp sẽ tìm đến với các bạn. Cuộc thi nhỏ làm nên thành công lớn.” - Luật sư Hoà chia sẻ.

PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, cuộc thi đã tạo ra sân chơi bổ ích cho sinh viên đến từ hơn 100 cơ sở đào tạo luật trên cả nước, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo những luật sư, trọng tài viên tương lai cho đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Mặc dù, những năm gần đây cuộc thi bị ảnh hưởng nhất định do dịch bệnh covid 19, Nhà trường phải thay đổi hình thức tổ chức thành trực tuyến nhưng chất lượng của cuộc thi sẽ không thay đổi, qua đó, tạo nhiều thách thức cho các đội thi để thích ứng và tiệm cận, gần gũi hơn với hình thức trọng tài trực tuyến đang mới mẻ hiện nay.

Để cuộc thi luôn thu hút thì tính thời sự của các vấn đề chuyên môn luôn được Trường Đại học Luật TP.HCM nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh thể lệ cuộc thi, đề thi hợp lý, gần với thực tiễn hành nghề. Các thí sinh sẽ lần lượt đóng vai luật sư của Nguyên đơn - Bị đơn, viết bài biện hộ (vòng loại) và tranh tụng trực tiếp (từ vòng Tứ kết trở đi), từ đó, tìm ra quán quân của cuộc thi.