Đã “Chí Phèo”, cỡ nào cũng bị phạt

(VOH) - Xử phạt tài xế vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông là việc gây nhiều rắc rối cho lực lượng CSGT. Tuy nhiên, khi đã quá chén - dù chủ phương tiện có chịu chấp hành kiểm tra hay không thì vẫn bị phạt theo quy định mới.

Không chịu kiểm tra cũng… bị phạt

Từ 1/8/2016, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực. Trong đó, nâng mức xử phạt đối với những tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn và mức phạt cao nhất lên đến 18 triệu đồng.

Dù vậy, trong quá trình thực thi nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn, các cán bộ CSGT gặp không ít chuyện bi hài, nhất là khi cảnh sát gặp phải những “Chí Phèo” miệng phảng phất hơi men, lao xe vun vút trên đường dù vừa “chén chú chén anh” sau giờ làm.

Đây được ví như là những “chí Phèo” bởi khi bị kiểm tra, các anh giở đủ “thủ đoạn” để cố thủ trên xe, từ chối thổi vào máy đo hay thổi giả bộ, thậm chí còn “câu giờ” bằng cách điện thoại cho nhiều người hay…lướt web và đăng cả status trên facebook. Đó là chưa kể đến những trường hợp xỉn “quắc cần câu” chửi bới, thách thức công an hay bỏ xe chạy lấy người…

Một tài xế không chịu đo nồng độ cồn (Ảnh minh họa: Độc Lập/TNO)

Những tưởng có thể “né” được xử phạt, tuy nhiên theo Nghị định 46/2016/ND-CP, quy định các mức phạt về vi phạm nồng độ cồn thì hành vi không chấp hành thử nồng độ cồn được xem là hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 16-18 triệu đồng, thậm chí có thể bị xử lý hình sự.

Điều này có nghĩa là người chống đối-bị phạt như với người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, đồng thời bị tước GPLX 5 tháng, tạm giữ xe 7 ngày.

Các mức phạt khác đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn

Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm hành vi “điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở...”.

Như vậy, đối với người điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng thì chỉ cần xác định là trong máu có nồng độ cồn, không quy định nồng độ cồn tối thiểu là bao nhiêu sẽ bị nghiêm cấm.

Với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy thì nồng độ cồn trong máu không được vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể quy định các mức phạt đối với hành vi vượt quá nồng độ cồn cho phép như sau:

a) Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ (Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP):

- Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở chịu mức phạt 2-3 triệu đồng. Tước bằng lái xe 1-3 tháng.

- Vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/lít khí thở thì bị phạt 7-8 triệu đồng. Tước bằng lái xe 3-5 tháng.

- Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt 16-18 triệu đồng. Tước bằng lái xe 4-6 tháng.

b) Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ (Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP):

- Phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đến 4.000.000 đồng với người điều khiển xe thực hiện một trong các vi phạm sau đây: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng.

Hiện nay, CSGT xử phạt chủ yếu dựa trên việc đo nồng độ cồn trong hơi thở. Với nồng độ cồn trong máu vì phức tạp hơn nên chỉ xét nghiệm khi có đủ các yếu tố theo quy định của pháp luật.

Chương trình "Trò chuyện cùng Bác tài" do Công ty CP Pin ắc quy Miền Nam (Pinaco) tài trợ - được phát sóng từ 9h05 đến 9h30, thứ Ba hàng tuần, trên sóng FM 99.9MHz, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM. Số điện thoại tham gia giao lưu trực tiếp: (08) 3910 4866.