Chờ...

Đẩy nhanh kế hoạch phát triển Khoa Y thành Trường Đại học Khoa học sức khỏe

(VOH) - Tại buổi lễ khai giảng diễn ra vào ngày 7/10, GS. TS. BS. Đặng Vạn Phước, Trưởng Khoa Y (ĐHQG-HCM) đã chia sẻ về kế hoạch phát triển thành Trường Đại học Khoa học sức khỏe.

GS. TS. BS. Đặng Vạn Phước, Trưởng Khoa Y (ĐHQG-HCM) cho biết, để chuẩn bị cho việc xây dựng Trường Đại học Khoa học Sức khỏe, trong năm học 2022 - 2023, Khoa Y sẽ hoàn tất chương trình kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo thông qua các chương trình nghiên cứu quốc gia.

Cụ thể, trong năm 2022, Khoa Y hoàn tất thẩm định 5 ngành đào tạo sau đại học là bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp 1 ngoại khoa, chuyên khoa cấp 1 tai mũi họng, chuyên khoa cấp 1 nhi khoa và chuyên khoa cấp 1 sản phụ khoa. Khoa Y sẵn sàng chuẩn bị về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và chuyên môn để triển khai trong thời gian tới.

Ngoài ra, Khoa Y cũng chủ trương phối hợp các ngành, bộ môn để xây dựng các hướng nghiên cứu mũi nhọn, từ đó đề xuất đầu tư dưới hình thức xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng, phòng thí nghiệm trọng điểm; triển khai hiệu quả nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo thông qua các chương trình nghiên cứu quốc gia…

GS. TS. BS. Đặng Vạn Phước, Trưởng Khoa Y (ĐHQG-HCM)
GS. TS. BS. Đặng Vạn Phước, Trưởng Khoa Y (ĐHQG-HCM) phát biểu trong lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 (Ảnh: Khoa Y)

Trong năm học 2022 - 2023 này, Khoa Y tiếp tục tăng tỷ lệ giáo viên cơ hữu có học vị tiến sĩ hoặc CKII, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn: ngành Y khoa 10%, Dược 15%, Răng Hàm Mặt 10%.

Đồng thời, Khoa Y sẽ triển khai xây dựng 3 khối nhà Y, Dược, Răng Hàm Mặt tích hợp phòng thí nghiệm thực hành và bệnh viện thực nghiệm. Ông Phước hy vọng, trước năm 2025, giảng viên và sinh viên Khoa Y sẽ được giảng dạy và học tập tại khu quy hoạch này.

Trưởng Khoa Y cho biết thêm, trong năm học 2022 - 2023, Khoa Y đã đưa vào đào tạo 2 ngành mới: y học cổ truyền và điều dưỡng. Việc ra đời hai ngành mới trong năm học này dựa trên thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ngành y tế chung của cả nước.

GS. Phước nhấn mạnh: "Trải qua 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn nhân lực của ngành Y tế hiện nay đang bị thiếu hụt nghiêm trọng, với sứ mệnh và trách nhiệm của một đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế - ngành trọng yếu của xã hội, Khoa Y đã linh hoạt trong công tác đào tạo, tăng số lượng ngành nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu cấp bách của toàn xã hội. Đó là một trong những lý do Khoa Y mở thêm 2 ngành mới là Y học cổ truyền và Điều dưỡng".

Ngày 23/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương thành lập Trường Đại học Khoa học sức khỏe - là trường đại học thành viên của ĐHQG-HCM - trên cơ sở tiền thân Khoa Y. Hiện nay, Khoa Y có 145 giảng viên cơ hữu, 26 chuyên gia đầu ngành kiêm nhiệm và hơn 200 bác sĩ, dược sĩ thỉnh giảng thực hành.

Trong chiến lược phát triển của ĐHQG-HCM đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, một trong những mục tiêu trọng tâm chính là hình thành Trường Đại học Khoa học sức khỏe. Đây sẽ là trường đại học định hướng nghiên cứu, cung cấp nguồn nhân lực và những sản phẩm khoa học trình độ cao.

Trường đại học Khoa học Sức khỏe có sứ mệnh đào tạo đa ngành, đa bậc học, đa lĩnh vực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và đào tạo nguồn nhân lực y tế đáp ứng hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển đất nước.

Trong lễ khai giảng năm học mới, GS. TS. BS. Đặng Vạn Phước cho biết, năm học 2022 - 2023, Khoa Y (ĐHQG-HCM) chào đón 550 tân sinh viên với điểm chuẩn đầu vào khá cao.

Dịp này, 10 thủ khoa tuyển sinh của 5 ngành đào tạo được Khoa Y ĐHQG-HCM vinh danh và tặng giấy khen. Riêng Thủ khoa theo phương thức thi tốt nghiệp THPT Phan Mỹ Trân (28,2 điểm) và Thủ khoa theo phương thức thi ĐGNL Nguyễn Thanh Tú (1.024 điểm) được Quỹ phát triển ĐHQG-HCM trao 2 suất học bổng, mỗi suất trị giá 40 triệu đồng.

Tính đến kỳ tuyển sinh năm 2022, Khoa Y đào tạo 1921 sinh viên, trong đó có 582 bác sĩ và 46 dược sĩ đã trưởng thành, trực tiếp tham gia vào hệ thống y tế nước nhà.