Chờ...

Để sử dụng lốp xe ô tô an toàn

(VOH) - Khá nhiều người sử dụng xe hơi hiện nay chưa có nhiều kinh nghiệm về lốp xe cũng như những kiến thức về quy chuẩn cần có của vỏ xe hơi để đảm bảo an toàn khi chạy trên đường cao tốc.

Khác với đường nhựa thông thường, hệ thống đường cao tốc tiêu chuẩn có thiết kế mặt đường nhám hơn rất nhiều, thiết kế này giúp tăng ma sát, tạo độ bám đường lớn hơn cho vỏ xe để giảm thiểu trơn trượt cũng như khả năng thoát nước mưa nhanh hơn, đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật cho xe chạy với tốc độ trên 100km/h. Tuy nhiên, mặt đường nhám hơn cũng sẽ làm cho vỏ xe nhanh mòn hơn, áp lực nén từ mặt đường lên thành vỏ cũng cao hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là các vỏ xe đã bị lỗi hoặc quá mòn.

Vỏ xe khi "non hơi" sẽ dễ bị cấn, dập 

Tính quan trọng của áp suất vỏ xe

Trên đường cao tốc, tốc độ xe rất nhanh nên độ an toàn của bề mặt vò xe là đặc biệt quan trọng. Áp suất hơi bên trong vỏ xe sẽ tăng theo nhiệt độ do ma sát với mặt đường, nếu quá cao có thể gây nố lốp. Ngược lại, áp suất hơi quá thấp có thể gây dập, gãy vành vỏ một cách nhanh chóng. Vì vậy, cần đảm bảo áp suất vỏ đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất và cũng đừng quên kiểm tra các hư hỏng, cắt chém do ngoại vật tác động từ bên ngoài gây ảnh hưởng đến độ bền của vỏ.

Trước khi bắt đầu chuyến đi trên đường cao tốc, hãy bảo đảm vỏ xe của bạn được bơm đúng áp suất - thường trong khoảng từ 46 đến 48 PSI.

Khi kiểm tra bằng mắt thường, nếu phát hiện thấy vỏ xe đã mòn đến vạch chỉ thị (là đường vạch nằm ngang bên dưới rãnh gai vỏ được nhà sản xuất chèn sẵn), hoặc bị cắt chém do ngoại vật, bị phù tách lớp hay nứt do điều kiện sử dụng..., đây là những dấu hiệu báo cho biết đến lúc bạn nên thay vỏ xe mới.

Vạch chỉ thị độ mòn của vỏ (lốp) xe

>> Nhận biết thời điểm cần thay vỏ xe

Ngoài ra, khi xe vận hành, 2 vỏ trước dùng vào việc đánh lái và dẫn hướng di chuyển nên sẽ bị mài mòn nhanh hơn vỏ sau. Vì vậy, cần phải đảo vỏ trước ra phía sau và đưa vỏ sau ra phía trước để các vỏ xe mòn đều và cân bằng. Đảo vỏ (hay còn gọi là đảo lốp) giúp cho xe có độ bám tốt hơn và lái xe an toàn hơn. Ngoài ra, độ bền của lốp xe cũng được kéo dài hơn. Thông thường các hãng xe thường khuyên khách hàng đảo vỏ khi xe đi được khoảng 10.000 - 15.000km

Về cơ bản, đảo lốp tức là hoán đổi vị trí theo từng căp lốp trước - sau

Bơm khí nitơ - nên hay không?

Có quan niệm cho rằng bơm bánh xe bằng khí nitơ sẽ tốt hơn khí nén tự nhiên. Điều đó đúng, ưu điểm của phương pháp này là độ ổn định về áp suất. Do phân tử nitơ có kích thước lớn hơn oxy nên tốc độ khuếch tán qua màng cao su chậm hơn, vì vậy vỏ xe cũng lâu bị mềm hơn. Ưu điểm nữa là nitơ tinh khiết không chứa hơi nước nên ít giãn nở vì nhiệt, vì vậy dù xe chạy với tốc độ cao thì áp suất vỏ vẫn ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, tại Việt Nam, còn ít nơi có trang bị hệ thống bơm nitơ do vậy khiến giá thành cao (khoảng từ 20.000đ-40.000đ cho 1 bánh xe bơm nitơ). Và cũng sẽ rất bất tiện khi bạn cần bơm bổ sung khi đi đường. Do đó, bơm khí khô tự nhiên vẫn là cách đơn giản và thuận tiện nhất.

Khí khô là khí bơm từ hệ thống máy nén khí có trang bị bộ phận tách hơi nước, đảm bảo không khí không bị lẫn hơi nước có thể gây co giãn thể tích khi nhiệt độ thay đổi và gây oxy hóa chân van. Loại máy này có mặt ở hầu hết các cửa hàng dịch vụ bơm-vá vỏ xe trên toàn quốc.

Đừng quên kiểm tra bánh phụ (bánh dự phòng hay bánh sơ-cua)

Trong quá trình sử dụng xe cũng như bảo dưỡng các bộ chi tiết trên xe, thì bánh dự phòng là chi tiết dễ bị bỏ sót nhất. Chức năng chính của bánh dự phòng cứu hộ, thay thể bánh xe chính khi gặp vấn đề trong những tình huống khẩn cấp (bể vỏ, nứt mâm vì ổ gà...), giúp tiết kiệm thời gian.

Đừng quên kiểm tra bánh sơ-cua theo định kỳ nhằm tránh những rắc rối bất ngờ trên đường

Tuy nhiên, việc quên kiểm tra bánh dự phòng sẽ làm ảnh hướng đến chức năng cứu hộ của nó. Đặc biệt trong những trường hợp khi xe gặp sự cố tại những khu vực hẻo lánh, vắng người hoặc vào ban đêm.