Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025 là kỳ thi đặc biệt, dành cho lứa học sinh đầu tiên vừa hoàn thành 4 năm trung học cơ sở theo chương trình trình giáo dục phổ thông 2018.
Tại TPHCM, kỳ thi năm nay khép lại không bằng những giọt nước mắt lo lắng, mà bằng những nụ cười hài lòng với nỗ lực của chính thí sinh.
Nhiều em chia sẻ, bước vào kỳ thi khá lo lắng, hồi hộp, nhưng khi hoàn thành xong 3 môn thi các bạn khá tự tin với khả năng làm bài của mình. Đề thi cả 3 môn đều gần gũi, dễ tiếp cận nên không tạo nên những áp lực tâm lý không đáng có.
Em Phạm Trần Minh Hà, Trường Trung học cơ sở Hồng Bàng, vừa hoàn thành kỳ tuyển sinh lớp 10 chia sẻ: “Đề thi đề cao tính thực tế của học sinh hơn và đòi hỏi học sinh phải có năng lực. Không chỉ là năng lực về cách đọc đề, học kiến thức cũ mà còn phải vận dụng vào thực tế. 3 đề thi vừa qua không nặng về vốn kiến thức nhưng lại đề cao tính thực tế”.

Yêu cầu chương trình mới phải giúp học sinh hình thành những năng lực, phẩm chất cụ thể, nên từ ngữ liệu đến các vấn đề trong đề thi khá gần gũi, thiết thực với học sinh.
Hoạt động thể dục thể thao, tình trạng sử dụng điện thoại của giới trẻ hiện nay… đã góp mặt trong đề thi Tiếng Anh, hay “hành trình trưởng thành” với tình cảm gia đình, với khả năng “biết đọc” chọn lọc thông tin trong đề Ngữ Văn…
Tất cả đều là những vấn đề rất chân thật, hiện thực diễn ra xung quanh các em, đòi hỏi mỗi học sinh trong quá trình trau dồi, đấu tranh, trưởng thành phải đối mặt.
Giáo viên Nguyễn Thị Hồng, Trường Trung học cơ sở Minh Đức chia sẻ: “Đề rất gần gũi với lứa tuổi 15 và đúng theo tinh thần đổi mới của chương trình 2018, cũng rất sát với đề minh họa Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa từ trước. Tất cả các câu hỏi đều nằm ở trong khung để cho học trò có thể hiểu và “cảm” được, tức là có thể đánh giá đúng được năng lực của học sinh”.
Gần gũi với cuộc sống, nhưng phải nêu được các vấn đề và giải quyết bằng các giải pháp thực tiễn. Qua đó hình thành được các kỹ năng cho học sinh. Điều này xuất hiện trong cả 3 đề thi, kể cả đề thi môn Ngoại ngữ, môn học mà trước đây học sinh học nhiều năm vẫn không thể giao tiếp được.
Trong đề thi môn Tiếng Anh năm nay, các kỹ năng giao tiếp, đối thoại vẫn được lồng ghép, thậm chí cách dùng từ điển hiệu quả cũng trở thành một câu hỏi, một vấn đề đặt ra trong đề thi.
Giáo viên Nguyễn Ái Minh Uyên, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường Thực hành Sài Gòn khẳng định: “Đề tiếng Anh khá thực tiễn, vì nội dung của đề, ví dụ bài đọc nói về là tầm quan trọng của việc phải luyện tập thể dục thể thao. Chủ đề rất gần gũi với học sinh tuổi teen. Cũng có phần ứng dụng thực tiễn ở chỗ là học sinh phải có kỹ năng tra từ điển, rất bám sát với định hướng của Sở”.
Theo đó, đề thi muốn học sinh phát triển về khả năng ngôn ngữ, có kiểm tra kỹ năng vấn đáp, kỹ năng phát âm, kỹ năng sử dụng từ điển... Cấu trúc đề thi linh hoạt chứ không như trước đây chỉ tập trung vào từ vựng - ngữ pháp - cô Uyên nhấn mạnh.

Để chuẩn bị cho sự thay đổi, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có những bước đi dài hơi từ kế hoạch triển khai, tập huấn giáo viên, tuyên truyền đến người dân hiểu về chương trình.
Từ đầu năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã sớm công bố cấu trúc đề thi minh hoạ, nhằm giúp học sinh và giáo viên có sự chuẩn bị tốt, tránh được những bỡ ngỡ. Ngoài ra, quá trình đổi mới công tác ra đề, đưa nội dung thực tiễn, tích hợp kiến thức liên môn cũng trở thành định hướng dạy học xuyên suốt nhiều năm nay tại TPHCM.
Chị Hồ Thị Trúc Uyên, ngụ tại Quảng Nam, đưa con vào dự thi vào lớp 10 chuyên Toán tại trường chuyên Lê Hồng Phong. Là phụ huynh, đồng thời là giáo viên dạy Ngữ văn, chị chia sẻ khá ấn tượng và đánh giá cao cách ra đề của TPHCM.
Để hỗ trợ con thi tuyển sinh tại TPHCM, ngoài việc cho con học tập với các thầy cô tại địa phương, chị còn tìm các lớp ôn tập online do giáo viên TPHCM tổ chức để con có thể tiếp cận làm tốt các dạng bài thi.
Chị Uyên chia sẻ: “Đề toán của TPHCM có tính thực tế rất cao so với đề các tỉnh và các tỉnh cũng đang theo xu hướng như vậy. Tôi cho rằng, TPHCM là một địa phương luôn đi đầu trong giáo dục ở xu hướng tiếp cận cái mới và cái thực tế nhất của học sinh trong môi trường giáo dục và đời sống của học sinh sau này”.
Giáo dục là một cơ cấu tổng thể gồm nhiều mắt xích quan trọng, trong đó, có kiểm tra đánh giá. Không thể đòi hỏi học sinh lĩnh hội kỹ năng, trau dồi phẩm chất khi mà các bài kiểm tra, đề thi chỉ chăm chăm hỏi về kiến thức, ghi nhớ sự kiện một cách máy móc.
Chính vì vậy, đề thi đáp ứng tốt mục tiêu của chương trình, giúp người học định hướng việc học tập theo đúng tinh thần lĩnh hội tri thức, học để hiểu, học để làm, để vận dụng sáng tạo và hiệu quả… chính là sự khẳng định sự thành công của chương trình.