Để vật nuôi không trở thành hiểm họa với trẻ

(VOH) - Không thể phủ nhận rằng, tiếp xúc và chăm sóc vật nuôi sẽ giúp trẻ học được nhiều điều thú vị về kỹ năng sống, tinh thần trách nhiệm, sự tự tin… nhưng ở một góc độ nào đó, vật nuôi cũng có thể là hiểm họa với trẻ nhỏ.

Trẻ em có niềm yêu thích đặc biệt với các loại vật nuôi (Ảnh: Khiêm Huân)

Bất an vì sợ chó tấn công

Rất nhiều vụ trẻ em bị chó tấn công, gây thương tích, thậm chí là tử vong đã xảy ra, không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước phát triển – nơi vật nuôi được "dạy dỗ" một cách chu đáo.

Mới đây nhất tại Anh, một em bé 4 tháng tuổi đã bị con chó Staffordshire (giống Bull Terrier) cắn đến nỗi thiệt mạng, còn anh của bé là Daniel Jay - 22 tháng tuổi thì bị chó cắn bị thương.

Hồi tháng 5, nước Anh cũng xôn xao vì một vụ chó tấn công người nghiêm trọng khiến 14 trẻ em bị thương. Theo Mirror, con chó lao vào tấn công những đứa trẻ đang chơi đùa trong một công viên ở thị trấn Blyth, hạt Northumberland. Hầu hết bọn trẻ có mặt đều bị cắn và nằm la liệt trên bãi cỏ.

Đầu tháng 10, một em bé 3 tuổi rưỡi (ngụ huyện Củ Chi, TPHCM) đang chơi trước nhà thì bị chó cắn với 19 vết lớn nhỏ, bé được các bác sĩ khâu cứu kịp thời với gần 200 mũi trên mặt. Điều đáng nói là, bé bị cắn bởi chính chó nuôi trong nhà.

Một trường hợp khác là bé gái 2 tuổi ở Bình Dương bị chó cắn lôi vào gầm xe hơi. Nhiều người lớn phải chui vào gầm xe vừa đuổi đánh chó vừa đem em bé ra. Trong quá trình giằng xé bé vỡ luôn một miếng xương hàm và răng. Các bác sĩ phải vừa xử lý vết thương phần mềm cho bé vừa phẫu thuật gắp miếng xương chết ra, khâu lại bên trong xương hàm.

Đây chỉ là một vài câu chuyện trong hàng ngàn vụ trẻ bị chó tấn công xảy ra từ trước đến nay. Theo thống kê, riêng năm 2013 tại Việt Nam có 300.000 người bị chó dại tấn công, trong đó có 99 người tử vong. Bệnh dại tập trung chủ yếu là do chó nhà gây ra (chiếm hơn 96%), do mèo chiếm 3,6%. Phần lớn số ca mắc bệnh và tử vong rơi vào trẻ dưới 15 tuổi, vì trẻ thường tiếp xúc, đùa giỡn với chó, mèo.

Không phải giống chó nào cũng dữ và cũng không phải chó nào cũng cắn chủ nhưng việc lơ là để trẻ đùa nghịch cùng vật nuôi không đúng cách hoặc để trẻ chơi ngoài đường – nơi có nhiều chó thả rông – tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ trẻ bị tấn công.

Do đó, nếu trong nhà có trẻ nhỏ, tuyệt đối người dân không nên nuôi chó, nếu buộc phải nuôi chó thì phải bảo đảm các biện pháp an toàn cho trẻ theo các hướng dẫn dưới đây.

 

Video hướng dẫn an toàn cho trẻ để tránh vật nuôi tấn công (Nguồn: VOH)

Những điều cần lưu ý khi nhà có vật nuôi

Nếu trong nhà có vật nuôi, các bậc cha mẹ cần chú ý một số điều dưới đây để bảo vệ sức khỏe của trẻ:

• Hãy chọn những giống vật nuôi hiền lành. Chẳng hạn, một số loài chó thân thiện với trẻ, như: Beagle, Pug, Golden Retriever, Labrador, Papillon…

• Hãy giữ vật nuôi sạch sẽ và khám thú y thường xuyên để ngăn ngừa bé nhiễm các bệnh giun sán do ký sinh trùng hay các bệnh khác như hen suyễn, dị ứng…

• Nếu nuôi chó, hãy triệt sản cho chúng và cho chó tham gia các lớp học. Chó được học để làm theo một số lệnh đơn giản sẽ dễ dàng hơn để trẻ kiểm soát.

• Hãy cho vật nuôi một nơi ẩn náu an toàn như một cái thùng hoặc một ngôi nhà nhỏ, đảm bảo cách xa phòng của trẻ.

• Hãy cho vật nuôi ăn thực phẩm đóng gói hoặc thức ăn chín. Tuyệt đối không cho chó, mèo ăn thịt sống.

• Hãy làm cho vật nuôi hộp cát để đi vệ sinh và dọn hộp mỗi ngày. Nếu trẻ quá nhỏ, cha mẹ không cho trẻ làm việc này. Nếu trẻ đã lớn và muốn làm, hãy hướng dẫn trẻ đeo găng tay cao su và rửa tay kỹ khi xong việc.

• Luôn để mắt tới trẻ khi trẻ chơi đùa với vật nuôi, đặc biệt là với những bé đang ở tuổi tập bò, tập đi… Chú ý, không bao giờ để trẻ chơi trò kéo co hoặc vật lộn với vật nuôi vì nếu quá khích, chó mèo có thể cào, cắn trẻ.

• Rửa tay thật sạch sau khi chơi với vật nuôi

• Hãy cho trẻ đi khám nếu trẻ bị chó, mèo cắn rách da hoặc vết cào bị sưng kéo dài hơn 2 tuần.

Dạy trẻ cách chơi đùa với vật nuôi và xử lý khi bị tấn công

* Cách chơi đùa với chó và xử lý khi bị chó tấn công:

• Hãy đứng yên và thả lỏng tay khi một con chó đi tới và khụt khịt, ngửi chân trẻ. Giải thích cho trẻ rằng nếu trẻ chạy, con chó có thể nghĩ rằng trẻ đang giỡn và đuổi theo.

• Hãy tìm cách tránh con chó đang gầm gừ, nhe răng hoặc bộ lông dựng đứng.

• Hướng dẫn trẻ không bao giờ nhìn chằm chằm vào đôi mắt của chó, vì chó có thể hiểu rằng trẻ đang đối đầu với nó.

• Hãy cuộn tròn như một quả bóng để bảo vệ khuôn mặt và bàn tay của trẻ nếu một con chó lạ lao vào tấn công.

• Nếu bị chó cắn, nên dùng xà phòng diệt khuẩn để rửa nhẹ nhàng vết thương dưới vòi nước chảy để loại bỏ tất cả mầm bệnh; Sau đó đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra và tiêm phòng cho bé.

* Cách chơi đùa với mèo và xử lý khi bị mèo tấn công:

Khi chơi chỉ nên vuốt nhẹ nhàng trên lưng hoặc phía sau tai của mèo.

• Không làm phiền mèo khi nó đang ngủ hoặc ăn.

• Nếu con mèo cong đuôi lại một cách nhanh chóng, có nhiều khả năng nó đang cáu giận và chuẩn bị tấn công, lúc này trẻ nên tránh xa.

• Nếu trẻ bị mèo cào hoặc cắn, cha mẹ nhắc trẻ rửa sạch vết thương với xà phòng và nước ngay lập tức.