Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tứ - Chánh Văn phòng ĐHQG-HCM, tại phiên họp lần thứ 17, khóa 4 vừa qua, Hội đồng đại học ĐHQG-HCM đã đồng ý chủ trương mở mới nhiều ngành ở bậc đại học như thí điểm ngành trí tuệ nhân tạo (Trường đại học Công nghệ thông tin); ngành quản lý tài nguyên và môi trường, thí điểm mở ngành công nghệ vật lý điện tử và tin học (Trường đại học Khoa học tự nhiên).
Ngoài ra, ĐHQG-HCM cũng sẽ mở ngành đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, và ngành thú y (Trường đại học An Giang); giao nhiệm vụ cho Khoa Y triển khai đào tạo ngành y học cổ truyền và ngành điều dưỡng.
Đối với trình độ sau đại học, ĐHQG-HCM đồng ý mở ngành Việt Nam học trình độ tiến sĩ (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn); Bộ Y tế quyết định phê duyệt mở ngành và giao nhiệm vụ đào tạo năm ngành đào tạo sau đại học bác sĩ chuyên khoa cấp 1 của Khoa Y (bác sĩ nội trú ngoại khoa, bác sĩ chuyên khoa I các ngành ngoại khoa, tai-mũi-họng, sản phụ khoa, nhi khoa).
Xem thêm: Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật thí điểm mở ngành... không ngành
Trong năm 2023, đối với hoạt động đào tạo, ĐHQG-HCM sẽ phát triển hệ thống học liệu số dùng chung trong giảng dạy và học tập (các khóa học trực tuyến mở đại trà - Massive Open Online Courses, MOOCs); xây dựng quy hoạch ngành/chương trình đào tạo tại ĐHQG-HCM.
Đồng thời, Hội đồng đại học ĐHQG-HCM cũng đã thông qua các đề án đổi mới quản trị tại đại học này - thành lập doanh nghiệp thuộc ĐHQG-HCM; đề án sử dụng tài sản công tại Trung tâm Quản lý ký túc xá; kiện toàn hội đồng trường các trường đại học thành viên…
ĐHQG-HCM sẽ phát triển ý tưởng các dự án mới như: dự án Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á - Chương trình lãnh đạo Mekong, dự án Thành lập Khoa Việt Nam học tại Trường ĐH Hoàng gia Phnom Penh; triển khai các dự án: dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học, dự án Phát triển các đại học quốc gia - Tiểu dự án ĐHQG-HCM...