Chờ...

Diễn đàn MEMS: Tìm cơ hội hợp tác sản xuất sản phẩm MEMS/Sensor trong nước

(VOH) - Diễn đàn MEMS/Sensor TPHCM, chủ đề: "Cảm biến/MEMS giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Việt Nam" diễn ra từ ngày 8 đến ngày 9/11 tại TPHCM.

Diễn đàn MEMS/Sensor là nơi để các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học trong nước và quốc tế, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước và các quỹ đầu tư, gặp gỡ trao đổi về những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiến tới hợp tác tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ MEMS/Sensor trong công nghiệp và trong đời sống. 

Đây là cơ sở để phát triển bền vững cho lĩnh vực công nghiệp bán dẫn ở trình độ tiên tiến, tạo điều kiện cho việc làm chủ công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

MEMS/Sensor: Tạo cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất tại Việt Nam 

Theo ông Lê Hoài Quốc – Trưởng ban Khu Công nghệ cao, chủ trương của TP Hồ Chí Minh lấy khoa học công nghệ làm công cụ để giải quyết những vấn đề của thành phố, trong đó có 7 chương trình đột phá. Đây là quyết tâm rất lớn của lành đạo TP.

“Do đó, thời gian gần đây, khoa học công nghệ rất được quan tâm”- ông Quốc nói.

Diễn đàn Mems cũng là một trong những hoạt động để thúc đẩy hệ sinh thái bao gồm từ nghiên cứu, phát triển, đào tạo ươm tạo cho đến chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ tiến tới sản xuất sản phẩm MEMS/Sensor tại TPHCM.

Đánh giá về tiềm năng của MEMS/Sensor, ông Tom Nguyễn - Giám đốc điều hành DunAn Eensing - nhìn nhận, nhu cầu Việt Nam rất lớn ở các lĩnh vực, nhưng đa số nhập các sản phẩm này từ nước ngoài về. Trong mỗi một chiếc xe, có cả gần 100 cái MEMS/Sensor. Về dầu khí, khoáng sản, thực phẩm… tất cả đều cần có cảm biến để làm đạt chuẩn.

“Đây là bước đệm đầu tiên để đưa VN hòa nhập vào thị trường quốc tế. Hy vọng các trường đại học trong và ngoài nước, khu công nghệ cao giúp phát triển ngành này nhanh chóng”- ông Tom Nguyễn cho biết.

Tại Diễn đàn MEMS/Sensor, ngày 9/11 có sự tham gia trình bày của nhiều diễn giả là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cảm biến như: ông Roger Grace, Chủ tịch Hiệp hội  RGA; ông Tom Nguyễn, Giám đốc điều hành DuAn Sensing; TS. Henderrik F.Hamann, Quản lý cao cấp Trung tâm nghiên cứu IBM T.J Watson…

Diễn đàn thảo luận 2 phiên.

Phiên thứ nhất đề cập đến “Các chính sách cho việc phát triển ngành công nghiệp MEMS/Sensor”. Trong đó, đánh giá lại chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2017-2020. Chính sách phát triển bước nhảy cho công nghiệp Mems ở TPHCM.

Phiên thứ 2 thảo luận “Các ứng dụng của MEMS/Sensor hướng đến thị trường”.

Cuối mỗi phiên sẽ có phần thảo luận bàn tròn giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhà khoa học và các chuyên gia cùng có ý kiến đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp MEMS/Sensor cho TPHCM.