Đổi mới công nghệ là cốt lõi tạo thành công của doanh nghiệp

(VOH) - Chủ trì hội nghị trực tuyến khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội sáng nay 4/1/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý đến 5 yếu tố.

Đó là Thể chế, trong đó có cơ chế, môi trường, văn hóa, tiếp đó là con người, nguồn lực, cơ sở hạ tầng, năng lực hội nhập. Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến yếu tố năng lực kiến tạo, quản trị nhà nước và cho rằng, đây là tiền đề phát triển của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thành tựu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh luôn có sự đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ. Năm nay, nhân tai và thiên tai, nhiều yếu tố bên ngoài biến động rất bất ngờ tuy nhiên, các chỉ tiêu quan trọng chúng ta đã hoàn thành, 12 chỉ tiêu vượt mức. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, trong đó, doanh nghiệp sản xuất khoa học công nghệ tăng gần 1 triệu doanh nghiệp. Doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước thực hiện chuyển giao khoa học công nghệ khá tốt.

Thủ tướng chia sẻ về chuyến khảo sát vừa qua, khi ông đi thăm một trung tâm công nghệ cao ở biên giới tại tỉnh Bình Phước. Tại đây, họ đã làm được các sản phẩm nông nghiệp chất lượng như dưa lưới bán cho TPHCM, 1 hecta thu được mấy tỷ đồng. Thủ tướng khẳng định: các nhà khoa học đã đưa khoa học công nghệ áp dụng vào sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và y tế.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cảnh báo về nguy cơ tụt hậu ngày càng cao nếu chúng ta không bắt nhịp được với khoa học thế giới. Đồng thời lưu ý, cần nhận thức rõ công cuộc Cách mạng lần thứ 4 ở VN, khi đầu tư cho khoa học công nghệ cần bám sát hơn nữa nhu cầu thực tế, ưu tiên triển khai các đề tài phục vụ đất nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đánh giá, trong năm 2016, ngành KH-CN tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong sản xuất nông nghiệp, KH-CN là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng, đóng góp khoảng 30%-40% vào tăng trưởng nông nghiệp.

Một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, điển hình như giàn khoan tự nâng 120 m Tam Đảo 05; các loại động cơ công suất đến 5 MW, turbine công suất đến 6 MW, các chủng loại biến áp đến 500 kV, lọc bụi tĩnh điện cho các nhà máy công nghiệp. Năm 2016, ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động KH-CN đã được Quốc hội phê duyệt là hơn 17.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,4% ngân sách Nhà nước.

Tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước chi cho nghiên cứu và phát triển đề tài, dự án KH-CN cấp quốc gia, cấp bộ/tỉnh trong năm 2016 là 5.000 tỷ đồng. Các loại hình khu công nghệ cao như: Khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung tiếp tục được quan tâm phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động KH-CN.

Tại điểm cầu TPHCM sáng nay 4/1.

Tại TPHCM, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cũng thông tin, thành phố đã bố trí trên 1.100 tỷ đồng hoạt động khoa học công nghệ chiếm 1,8-2% tổng chi ngân sách thành phố trong năm 2016. Trong đó, có 170 đề tài, dự án được nghiệm thu.

Tỷ lệ đề tài ứng dụng trực tiếp, gián tiếp đạt gần 79%.

Thành phố cũng chuyển giao, đổi mới công nghệ, thử nghiệm sàn giao dịch của thành phố, thành lập trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, triển khai tốt công nghiệp kích cầu của thành phố với vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng:

“Thành phố đề xuất các Bộ ngành sớm hoàn thiện, cải tiến, ban hành cơ chế chính sách. Đó là cơ chế giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu, thủ tục, thời gian để đưa sản phẩm nghiên cứu trong y tế, nông nghiệp vào thị trường, thủ tục thời gian xử lý, cấp bằng sở hữu trí tuệ, cơ chế tài chính thực hiện đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo”, ông Liêm đề xuất.

TPHCM luôn xác định đổi mới công nghệ là cốt lõi tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Khởi nghiệp là một trong những đột phá quan trọng nhằm thúc đẩy tiềm năng của doanh nghiệp trẻ, lập nghiệp, làm giàu cho chính mình và xã hội.

Trước đó, thành phố đã bố trí 2 gói đầu tư 2.000 tỷ đồng cho chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị và gói 1.000 tỷ đồng dùng để hỗ trợ khởi nghiệp, hộ kinh doanh cá thể chuyển sang doanh nghiệp.

Đến nay, tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TPHCM có hơn 290.000.