Chờ...

Đổi mới giảng dạy: giáo viên chờ đợi sách giáo khoa?

(VOH) - PGS.TS Dương Bá Vũ, Ban phát triển chương trình Giáo dục phổ thông mới, khẳng định "...sẽ không có bộ sách giáo khoa nào ràng buộc các thầy cô trong thời gian sắp tới".

Mới đây trong chuyên đề "Định hướng phát triển chương trình từ Dự thảo chương trình môn Hóa học cấp trung học phổ thông" tổ chức tại trường THPT Nguyễn Du, PGS.TS Dương Bá Vũ, Ban phát triển chương trình Giáo dục phổ thông mới, Trưởng Khoa Hóa học trường Đại học Sư Phạm TPHCM đã khẳng định hiện nay, hầu hết giáo viên đang chờ đợi sách giáo khoa để đổi mới giảng dạy là một quan niệm sai lầm. Nhiệm vụ của giáo viên là soạn một sách giáo khoa cho chính mình để giảng dạy vì sẽ không có bộ sách giáo khoa nào ràng buộc các thầy cô trong thời gian sắp tới.

Giáo viên không nên quá trông chờ vào sách giáo khoa

PGS.TS Dương Bá Vũ, Ban phát triển chương trình Giáo dục phổ thông mới, khẳng định "... sẽ không có bộ sách giáo khoa nào ràng buộc các thầy cô trong thời gian sắp tới".

Theo ông, dự thảo chương trình đã được xây dựng trong thời gian 18 tháng và triển khai thử nghiệm ở 7 địa phương, theo nguyên tắc xác suất, các nội dung mới so với chương trình hiện hành. Đồng thời, đã được lấy ý kiến của các nhà giáo, chuyên gia và nhân dân. Cho đến nay, cơ bản đã tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, quá trình xây dựng nội dung chương trình là một sự đấu tranh từng ngày nhằm hướng đến lợi ích nhiều nhất cho người học.

PGS.TS Dương Bá Vũ cho rằng, từ sau giải phóng đến nay nước ta hầu như chỉ có một chương trình chung duy nhất và những lần điều chỉnh sửa đổi. Đây là lần thay đổi chương trình một cách toàn diện với một chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực và nội dung khoa học cho người học. Trong đó, kiến thức môn học phải đảm bảo các yêu cầu về tính cơ bản, thiết thực và hiện đại, hướng đến các năng lực phẩm chất nhiều hơn những nội dung khoa học. Đặc biệt, quy trình xây dựng chương trình ngược lại so với trước đây, nhưng phù hợp với xu hướng của thế giới.

"Đổi mới về phương pháp xây dựng chương trình theo sơ đồ ngược. Đầu tiên là phân tích bối cảnh thời đại, dự kiến trong 5, 10 năm tới, nguồn nhân lực, nhu cầu phát triển đất nước cần học sinh có những năng lực nào, thái độ nào tình cảm nào đối với xã hội để xã hội phát triển. Từ đó, mới xây dựng mục tiêu giáo dục phổ thông. Sau mục tiêu này mới xác đinh các yêu cầu cần đạt về phẩm chất năng lực mà học sinh cần có. Từ đó mới chọn nội dung dạy học và nội dung giáo dục phù hợp. Trong đây không có bóng dáng của SGK. SGK nếu có chỉ là hệ quả của những điều này", PGS.TS Dương Bá Vũ cho biết thêm.