Tại TPHCM, giai đoạn 2013 – 2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai xây dựng Chương trình “Ứng dụng Khoa học công nghệ của doanh nghiệp” tại 91 doanh nghiệp Nhà nước do TP quản lý.
Sau hơn 3 năm triển khai và thực hiện, dù có dấu hiệu tích cực trong chuyển đổi khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp, tuy nhiên, đánh giá chung, việc xây dựng chương trình chưa như kỳ vọng.
Bà Huỳnh Thị Thu Hằng chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ tại Tổng Công ty Liksin, cùng với các chuyên gia tại Toạ đàm.
Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, Sở Khoa học và Công nghệ, khó nhất là sự chia sẻ, hiểu biết về tầm nhìn của đổi mới sáng tạo giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp chưa gặp nhau và doanh nghiệp ít quan tâm đến khía cạnh này. “Ví dụ, chúng tôi đã chuẩn bị cho doanh nghiệp về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ từ 15 năm nay. Nhưng trong 15 năm đó, làm với khoảng 600 doanh nghiệp, chúng tôi thấy doanh nghiệp chỉ thích nghe những chia sẻ về tài chính, thị trường chứ ít khi muốn đi nghe về công nghệ. Bởi vì doanh nghiệp chỉ muốn giải quyết trước mắt chứ không giải quyết bài toán bền vững. Khi không giải quyết bài toàn bền vững thì họ sẽ không thấy được công cụ của công nghệ”, ông Tước phân tích.
Ông Đỗ Nam Trung, Trưởng phòng Phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học vả Công nghệ cho rằng, việc tuyên truyền về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Nhà nước hiện nay, có “truyền” nhưng chưa “thông”, dù bước đầu doanh nghiệp cũng đã quan tâm và tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo.
Theo bà Huỳnh Thị Thu Hằng, chuyên gia tư vấn năng suất, Tổng Giám đốc Công ty Nhân Khang, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu và Phát triển Tổng Công ty Liksin, đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ chiến lược và năng lực thực thi: "Nếu doanh nghiệp muốn đổi mới sáng tạo mà vẫn không nhìn ra mình đang ở đâu mà cứ nói đổi mới sáng tạo thì sẽ không biết đi đâu về đâu. Cho nên, tôi nghĩ việc đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ việc đánh giá hiện trạng của mình cụ thể, từ tổ chức, kinh doanh, tài chính... Sau đó, doanh nghiệp mới xác định mình làm gì, phải bắt đầu từ như vậy mới được”.
Ông Trịnh Minh Tâm, Phó Gíam đốc Sở Khoa học và Công nghệ đưa ra một so sánh khá thú vị, đó là nhân lực quản lý về các nguồn lực hữu hình và quản lý tài sản trí tuệ, tài sản vô hình, có sự chênh lệch tương đối lớn.
Hiện cả nước mới có chưa đến 500 quản trị viên tài sản trí tuệ, đây là chương trình hợp tác giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ VN.
Ông Tâm nhận định: “Chúng tôi mong rằng khía cạnh về sở hữu trí tuệ, về tài sản vô hình, về sử dụng tri thức của con người vào việc quyết định sử dụng các nguồn lực hữu hình như thế nào chính là con đường, là phương thức chỉ ra cho chúng ta cách để tái cấu trúc doanh nghiệp; chính là con đường để nâng cao năng suất chất lượng”.