Đồng hành cùng con qua mùa dịch

(VOH) - Những ngày này trẻ em, học sinh trên nhiều vùng cả nước đang đón nhận một kỳ nghỉ hè đặc biệt - nghỉ hè mùa dịch.

Kỳ nghỉ không được ra khỏi nhà, mà chỉ sinh hoạt trong 4 bức tường nên không ít trẻ cảm thấy gò bó không thoải mái. Để giúp học sinh có được mùa hè ít nhàm chán và ý nghĩa hơn, cha mẹ, nhà trường cần quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động cho con em, dành thời gian để dạy cho con những kỹ năng cần thiết.

dong-hanh-cung-con-qua-mua-dich-voh.com.vn-anh1
Cha mẹ cần dành thời gian vui học cùng con trong mùa hè giãn cách.

Như nhiều học sinh cùng trang lứa, mùa hè năm nay của em Nguyễn Văn Hưng, học sinh lớp 9 Trường Thực hành Sài Gòn, Quận 5, đơn điệu và nhàm chán hơn nhiều. Ý thức được tình hình dịch bệnh nên ngoài việc hạn chế ra đường, tuân thủ 5K, Hưng còn tự giác luyện tập thể dục thể thao tại nhà, phụ giúp ba mẹ công việc nhà mỗi ngày. Tuy nhiên, phần nhiều thời gian, em cũng dành cho việc online trên máy tính, có khi để học tập, nhưng cũng có khi để chơi game. Em chia sẻ: "Em không được hưởng một mùa hè trọn vẹn. Mùa hè là lúc em có cơ hội gặp nhiều người, nhưng do hoàn cảnh dịch bệnh không ai mong muốn, nên em gặp các bạn chủ yếu qua màn hình máy tính. Vì vậy cũng khá nhàm chán. Hè mấy năm trước, em thường về quê ở miền Trung khoảng 1-2 tháng. Ở đó, em được đi nhiều nơi, tận hưởng không khí ngoài trời, chứ không ở nhà hoài như hiện tại. Khi về lại thành phố, em cũng được đi đây đi đó với bạn bè của mình".

Nghỉ hè trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay là một trải nghiệm không hề thoải mái với các em và là sự lo lắng của các bậc làm cha mẹ. Việc không được ra ngoài, không được vui chơi, đôi khi làm thay đổi cả nhịp sinh học của cơ thể. Không ít trẻ tối thức khuya, ngày dậy muộn, dẫn đến bỏ bữa, ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất...Việc phải duy trì sinh hoạt động trong 4 bức tường gây cảm giác tù túng, lâu dần còn dẫn đến sự căng thẳng, stress...cho các em.

Đây cũng là tình trạng chung của mẹ con chị Phạm Lê Chi, ngụ tại Quận Tân Bình, giảng viên một trường cao đẳng nghề. Mấy ngày này, chị vừa làm việc online vừa chăm sóc con trai nhỏ vào lớp 4. Do mẹ bận rộn nên cũng không có nhiều thời gian cho con. Cậu con trai nhỏ dù không vui do phải nhốt mình trong nhà nhưng cũng biết chuyện nên cũng tự lập rất nhiều.

Chị Lê Chi bộc bạch: "Nói chung ở nhà bé nào cũng mệt mỏi, than vì hiện giờ bé chỉ ở trong nhà và không được ra ngoài. Mình cũng khó chịu, trẻ con hiếu động nên càng bức bối. Hàng ngày, khi bé ngủ dậy thì mẹ bận làm việc online. Cho nên sau khi làm xong, mẹ mới có thể lo chuyện cơm nước ăn uống. Có khi sáng bé tự lo đồ ăn luôn. Mẹ dậy sớm mua ổ bánh mì hay món gì để đó, khi bé dậy tự bé lo việc ăn uống của mình. Khi tôi làm việc xong mẹ con mới có thời gian dành cho nhau".

Ngoài ra, việc nghỉ học ở nhà quá lâu cũng ảnh hưởng đến động lực học tập của không ít học sinh. Để hạn chế những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực, nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con em mình tham gia các khoá học online, tìm kiếm thông tin về kiến thức hoặc kỹ năng nào đó mà các em quan tâm, yêu thích. Đó có thể là khóa học về ngoại ngữ, các kênh youtube hướng dẫn kỹ năng xếp giấy nghệ thuật, dạy nấu ăn...Chúng vừa có tác dụng khoả lấp thời gian rảnh rỗi, vừa tạo hứng thú, lại rèn kỹ năng, duy trì niềm vui học tập cho trẻ.

Cũng nhờ khoảng thời gian này, bé trai nhà chị Lê Chi đã làm quen với ngôn ngữ mới là tiếng Nhật khi thường được mẹ hướng dẫn tra cứu tự điển, xem kênh dạy ngoại ngữ. Dù mới 9 tuổi nhưng bé đã học được cách giặt quần áo, rửa chén, và yêu thương san sẻ với mẹ nhiều hơn...

Hai cô con gái nhỏ của chị Trần Thị Thanh Thảo, nhà thiết kế ảnh, ngụ tại Quận 6, cũng nhờ khoảng thời gian này mà biết phụ mẹ nhiều việc như xếp quần áo, dọn giường, rửa chén... Kỹ năng tự phục vụ của con cũng được cải thiện rất nhiều. Đặc biệt, sau giờ làm việc, chị còn cùng con làm clip cho kênh youtube vẽ tranh hoạt hình của bé.

Chị Trần Thị Thanh Thảo cho rằng: "Những đứa trẻ bây giờ sử dụng điện thoại, xem youtube hay chơi game. Đáng mừng là con mình thích game sáng tạo, có thể tạo thêm edit hình ảnh như phim hoạt hình, đồng thời bé cũng thích xem youtube. Vì vậy, mình nghĩ cần tạo cái gì đó cho con phát huy khả năng sáng tạo của mình và kênh youtube do con gái tự làm các bộ phim hoạt hình cho mình ra đời. Mình thấy rất vui. Các con dần đã thích nghi với cuộc sống ở nhà và học tập online".

Kỳ nghĩ trong bối cảnh đặc biệt nên một số trường cũng đã có những hoạt động hè không kém phần mới lạ. Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Quận 1 tổ chức hoạt động hè cho học sinh dưới dạng chuỗi thử thách bản thân với chủ đề "Tôi tự giác - Tôi trưởng thành - Tôi hạnh phúc". Đó là những những phần việc học sinh đăng ký thực hiện liên tục trong 21 ngày nhằm hình thành được thói quen tốt như quét nhà, học nấu ăn, đọc sách, rèn luyện ngoại ngữ... Còn tại trường Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt, hoạt động hè được triển khai thông qua fanpage  của các câu lạc bộ. Mỗi câu lạc bộ tuỳ đặc thù của mình sẽ luân phiên có những chia sẻ, bài viết hoặc các động tác vận động thể lực phù hợp.

Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh, Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt thông tin: "Mỗi tuần, các em có những bài viết, bài cảm nhận của tất cả các bạn trong câu lạc bộ. Qua đó, chia sẻ, hiến kế những câu chuyện, động tác tập luyện thể dục thể thao, các bạn chia sẻ trên trang fanpage của nhà trường. Đó là một trong những kênh tương tác lẫn nhau giữa các em học sinh trong mùa dịch. Đồng thời, đó cũng là kênh để các em có thể giao lưu trong mùa dịch hiện nay".

Theo thạc sĩ tâm lý Lại Thế Luyện ngày hè sẽ có nhiều bổ ích, hứng thú khi tổ chức được các hoạt động tập thể, có sự giao tiếp, giao lưu văn hoá. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, các hoạt động này hầu như không thể thực hiện. Để thích ứng với tình hình hiện tại, Thạc sĩ tâm lý Lại Thế Luyện cho rằng các bạn học sinh có thể tham gia nhiều hoạt động tại nhà như học tập, tìm hiểu những lĩnh vực mình yêu thích. Nghỉ hè tại nhà cũng là thời điểm thuận tiện để bạn trẻ trang bị những kỹ năng từ các khoá học online hay từ việc hướng dẫn trực tiếp từ người thân trong gia đình. Đọc thêm vài quyển sách hay mà trước nay do bận việc học, các em chưa có thời gian đọc, học cách nấu vài món ăn ngon...

Với các bạn học sinh các lớp cuối cấp, Thạc sĩ tâm lý Lại Thế Luyện còn cho rằng đây là khoảng thời gian rất thích hợp để các bạn tự nhìn lại, đánh giá chính bản thân: năng lực, sở thích, định hướng nghề nghiệp... Ngoài ra, đây còn là dịp để kết nối sợi dây thân tình nhiều khi các em hoặc các bậc phụ huynh không có thời gian vun đắp.

"Mọi người sẽ có cơ hội giao tiếp với nhau, trò chuyện với nhau, hiểu nhau hơn từ đó gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình. Vốn dĩ bình thường đi học cả ngày, các em không có thời gian quan tâm. Các em cũng nên quan tâm đến ông bà, cha mẹ, anh chị em và họ hàng xa. Dịch bệnh diễn ra chỉ hạn chế tiếp xúc trực tiếp, các em vẫn có thể quan tâm bằng cách gọi điện thoại, gửi thư thăm hỏi ông bà, cha mẹ, họ hàng xa của mình...", Thạc sĩ tâm lý Lại Thế Luyện cho biết thêm.

Dịch bệnh diễn biến căng thẳng, phức tạp. Trong tình hình này, sự hạn chế tiếp xúc trực tiếp là một trong những giải pháp cấp thiết. Vì vậy, dù trải nghiệm mùa hè khó khăn hơn nhưng bản thân phụ huynh, học sinh cần đa dạng các hoạt động của mình trong phạm vi không gian giới hạn an toàn. Có như vậy, mùa hè của các em sẽ ý nghĩa hơn, đáng nhớ hơn và quan trọng hơn là sẽ chung tay đẩy lùi được đại dịch.