Đồng hành cùng con qua mùa dịch

(VOH) - Trong bối cảnh mùa hè đặc biệt này, internet được xem là cứu cánh cho các hoạt động học tập, giao lưu của nhiều học sinh.

Tuy nhiên, cha mẹ cần quan tâm đến việc quản lý thời gian của con, cũng như khuyến khích con đa dạng các hoạt động để có một sức khoẻ thể chất và tinh thần lành mạnh.

Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ Tâm lý trị liệu, Phạm Thị Thúy, trong mùa dịch này đã có nhiều hoạt động tư vấn tâm lý miễn phí, hỗ trợ cộng đồng, trong đó không ít vấn đề giữa cha mẹ và con cái.

dong-hanh-cung-con-qua-mua-dich-voh.com.vn-anh1
Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ Tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy. (Ảnh: NVCC)

*VOH: Thưa chị, tình trạng trẻ em buồn chán, thậm chí stress, trong những ngày hè đặc biệt bởi dịch bệnh như hiện nay được lý giải như thế nào?

- Bà Phạm Thị Thúy: Hè năm nay là một mùa hè đặc biệt vì tình hình bệnh căng thẳng hơn các lần giãn cách trước. Cho nên, người lớn hay trẻ em đều có sự căng thẳng. Trước nguy cơ mất an toàn, mất sự kết nối trực tiếp với bạn bè làm cho các bạn học sinh có những căng thẳng. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đều như vậy.

*VOH: Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, các hoạt động cho trẻ bị giới hạn trong 4 bức tường, phụ huynh cần làm gì để để xoa dịu, giúp trẻ hiểu hơn, hợp tác hơn trong mùa hè đặc biệt này?

>>>Bài 1: Băn khoăn mùa hè trong mùa dịch

- Bà Phạm Thị Thúy: Đa phần hoạt động thư giãn của trẻ em thời nay không phải kiểu hoạt động ngoài trời. Các em quen việc nghỉ hè với chiếc máy tính và cái điện thoại. Đây lại là điều may mắn trong mùa dịch này.

Thực sự không hẳn nhiều học sinh tuổi teen trong giai đoạn này rơi vào tình trạng buồn chán. Bản thân gia đình tôi hiện có 2 bạn trẻ tuổi teen nên cảm nhận khá rõ. Các em có những niềm vui của mình.

Phụ huynh có thể giúp con em mình như thế nào còn liên quan đến bối cảnh gia đình. Nếu trong gia đình, cha mẹ ổn định về kinh tế và không có những cãi vã căng thẳng, hoà khí gia đình tốt, mọi việc diễn ra bình thường, phần lớn các bạn không gặp vấn đề gì khó khăn.

Những gia đình mà ở đó trẻ có vấn đề, thường do bối cảnh người lớn ảnh hưởng đến trẻ nhiều hơn. Cha mẹ mất việc, đối mặt khó khăn về kinh tế, đặc biệt khó khăn về lương thực và có thể có những xung đột mâu thuẫn trong gia đình... Đấy là những vấn đề làm cho trẻ bức bối.

Trong quá trình tư vấn, tôi gặp những ca căng thẳng trong mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ. Ví dụ, trường hợp, cha mẹ muốn về Bình Chánh để tránh dịch và có không gian sống thoáng đãng hơn. Ở thành phố gia đình ở chung cư. Thế nhưng, người con không quen, cảm thấy bức bối và không chấp nhận được. Cuối cùng, cả nhà lại phải quay về trung tâm thành phố, nơi ngôi nhà quen thuộc với máy tính và điện thoại kết nối với bạn bè.

Ở các trường hợp khác, phần nhiều trẻ không hợp tác với cha mẹ khi sinh hoạt không điều độ như trẻ thức khuya, ngủ dậy muộn, không vận động... làm cho cha mẹ lo lắng. Hoặc cha mẹ muốn con làm việc nhà nhưng đứa con không hợp tác ... Tôi thấy một số ca có các vấn đề như vậy. Còn lại, không có vấn đề gì lớn trong câu chuyện của các bé trong các ca tư vấn.    

*VOH: Các bậc cha mẹ có thể làm gì để kỳ nghỉ hè mùa dịch của con hiệu quả hơn, dễ dàng hơn, ý nghĩa hơn?

- Bà Phạm Thị Thúy: Việc đầu tiên cần làm là ba mẹ cần giữ hòa khí. Trong gia đình, quan trọng nhất bây giờ là niềm vui, không chỉ cho trẻ mà cho tất cả mọi người. Cha mẹ cần giữ tinh thần lạc quan, có khó khăn gì thì cùng nhau bàn bạc giải quyết. Nếu không, tâm trạng bi quan của cha mẹ, quá trình cập nhật tin tức xấu của dịch Covid, vấn đề thất nghiệp, tiền bạc, những khó khăn mà mình bày tỏ một cách tiêu cực, trẻ chứng kiến một cách gián tiếp hay trực tiếp cũng đều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Thứ hai, cha mẹ lưu ý, giai đoạn này cần phải hợp tác với con hơn là la mắng. Nếu chọn cách la mắng, ép buộc trẻ theo nề nếp một cách cứng nhắc, cha mẹ sẽ rất khó khăn. Hãy cho trẻ cơ hội thoải mái với không gian riêng của mình nhưng lưu ý kiểm soát thời gian dùng máy tính, điện thoại. Nếu để trẻ sử dụng các thiết bị quá nhiều, thứ nhất có thể trẻ lên mạng tìm kiếm những thông tin mà gia đình không kiểm soát được. Thứ hai, trẻ không vận động. Thứ ba, trẻ sẽ có những vấn đề về mắt. Rất nhiều trong những mùa giãn cách trước tôi đã gặp tình trạng trẻ nghiện game, trẻ phản ứng thái quá khi cha mẹ lấy lại máy tính.

Vì vậy, lưu ý tạo ra nếp sinh hoạt mang tính linh hoạt nhưng cũng rất cẩn thận trong giờ giấc trẻ dùng các các thiết bị công nghệ.

*VOH: Trong mùa hè đặc biệt  như hiện nay, internet được xem là một cứu cánh cho các bạn. Tuy nhiên, không ít phụ huynh cũng lo lắng sự lệ thuộc quá nhiều của con em vào các trò chơi. Chị có đề xuất gì cho việc sử dụng internet cho các em trong tình hình mùa dịch?

- Bà Phạm Thị Thúy: Điều này, ngay chính nhà tôi cũng đang áp dụng. Thứ nhất, cha mẹ cần thiết lập thời gian biểu để con có giờ chơi, giờ học hợp lý trên máy tính. Ví dụ: sáng 1 tiếng, trưa chiều 1 tiếng, tối 1 tiếng; giờ nào được học, giờ nào được chơi... Thậm chí, cha mẹ cần thoả hiệp, tìm những hoạt động chơi game phù hợp với trẻ như chơi trong nhóm bạn của con, là cơ hội cho con giao tiếp với bạn. Đặc biệt, trẻ ở lứa tuổi mới lớn, nếu không có cơ hội giao tiếp xã hội sẽ mất kết nối với bạn bè, nguồn vui của trẻ. Kết nối online cũng rất tốt cho trẻ mùa dịch này.

Vì vậy, cha mẹ cần cho trẻ có giờ chơi, giờ dùng máy tính để chơi và học hợp lý. Ví dụ, tôi yêu cầu con có kế hoạch học ôn bài năm học trước và xem bài của sách mới năm nay. Mình phải lên kế hoạch với con và có kiểm soát giờ, giờ nào cho phép, giờ nào không.

Ngoài ra, tôi phân công việc nhà cho con. Con muốn có quyền lợi để chơi game, vào máy tính nghe nhạc hay làm những gì mình thích, thì con cần phải tham gia những hoạt động trong gia đình. Phụ huynh có thể phân công công việc cho con cái trong nhà phù hợp với lứa tuổi. Đừng để con cái chỉ biết  chơi, còn cha mẹ ôm đồm hết mọi việc trong nhà. Nấu cơm, dọn dẹp, xếp quần áo, giặt quần áo... các con trong gia đình đều phải có việc để làm mỗi ngày. Trẻ có việc làm sẽ có niềm vui, cũng đồng thời có  trách nhiệm với gia đình và phân bố thời gian lên mạng hợp lý hơn. Nếu không có việc làm lại không có gì chơi, đương nhiên trẻ chỉ bám lấy thiết bị công nghệ.

Một hoạt động nữa mà cha mẹ nên làm là yêu cầu trẻ vận động thể lực, thực hiện một hoạt động thể dục trong nhà.

Nếu cha mẹ quy định cụ thể như thế thì trẻ sẽ vẫn có thời gian học, thời gian chơi và hoạt động thể lực. Đặc biệt, cần có những khoảng thời gian gia đình sinh hoạt chung như cùng xem 1 bản nhạc trong phòng khách... Đôi khi cha mẹ phải chịu khó dành thời gian cho con. Với những gia đình có con tuổi teen, mùa dịch này, dễ rơi vào tình trạng mỗi người mỗi phòng, thậm chí có gia đình không có bữa ăn chung, rất không nên. Gia đình có thói quen có bữa ăn chung là  rất quý, hãy duy trì. Gia đình nào chưa có thói quen này, rất mong thực hiện từ mùa dịch này để thêm cơ hội kết nối gia các thành viên. Con cái ăn cùng cha mẹ, có những hoạt động dọn dẹp, phụ giúp gia đình, trẻ phải có trách nhiệm với việc nhà.

Đấy là vài điều bản thân tôi đang làm cho chính con cái của mình. Điều quan trọng nhất là phải lập kế hoạch thời gian biểu trong ngày cho con, cùng con, tạo điều kiện cho con tham gia vào nhiều việc của gia đình.

*VOH: Cám ơn chị!