Chờ...

Dùng bình chữa cháy sai cách sẽ gây tai họa

(VOH) - Bình chữa cháy đúng là dùng để dập lửa nhưng nếu dùng sai cách không chỉ khiến lửa cháy lan mà còn khiến người dùng có thể bị thương nặng.

Bình chữa cháy thông dụng hiện có 2 loại gồm bình chữa cháy CO2 và bình chữa cháy bột (2 loại bột là BC và ABC).

Tuy nhiên, cách sử dụng 2 loại bình này hoàn toàn khác nhau và người dùng cũng phải cân nhắc, tùy từng trường hợp mà dùng loại bình nào.

Cháy thiết bị điện - sử dụng bình CO2

Không ít người vẫn nghĩ rằng, nước có thể dập lửa trong bất cứ trường hợp nào. Tuy nhiên, trong trường hợp chập thiết bị điện, cháy dây điện mà dùng nước dập lửa thì thành tai họa.

Dòng điện khi gặp nước sẽ gây nổ hoặc dẫn điện theo dòng nước giật thẳng vào người chữa cháy. 

Do đó trong trường hợp cháy thiết bị điện cần ngắt điện và dùng bình khí CO2 để chữa cháy. Ngoài ra, bình khí CO2 còn dùng để dập tắt các đám cháy nhỏ mới phát sinh như cháy chất rắn, chất lỏng và hiệu quả cao đối với đám cháy trong phòng kín, buồng hầm.

Không nên sử dụng bình khí CO2 để chữa các đám cháy có kim loại kiềm thổ, than cốc, kiềm, phân đạm vì trong khi phun khí CO2 vào đám cháy sẽ sinh ra phản ứng hóa học, tạo ra khí CO độc hại và có thể gây cháy nổ, làm cho đám cháy lan rộng và phức tạp hơn.

* Cấu tạo bình chữa cháy CO2

  • Bình chữa cháy CO2 không có đồng hồ áp suất và có ký hiệu MT hoặc CO2 trên thân bình.
  • Bình chữa cháy CO2 loại 3kg, 5kg là loại xách tay bên trong chứa khí CO2-790C được nén với áp lực cao.

Cấu tạo bình chữa cháy CO2

* Cách sử dụng bình chữa cháy CO2

  • Khi xảy ra cháy, người chữa cháy cần mang bình CO2 tiếp cận đám cháy. Một tay cầm vòi phun vào gốc lửa tối thiểu là 0,5m, tay kia mở khóa van bình.
  • Khi mở van, do chênh lệch áp suất, CO2 lỏng trong bình thoát ra ngoài chuyển thành dạng như tuyết, lạnh tới -79 độ C.
  • Khi phun vào đám cháy, khí CO2 làm loãng nồng độ hỗn hợp hơi khí cháy đồng thời làm lạnh vùng cháy, làm tắt đám cháy.
  • Khi sử dụng bình chữa cháy khí CO2 để phun thì cầm vào phần gỗ hoặc phần nhựa của loa phun để đảm bảo an toàn, không cầm vào kim loại và tuyệt đối không để khí CO2 phun vào người sẽ bị bỏng lạnh.
  • Bình chữa cháy khí CO2 không nên sử dụng ở những nơi như: gió mạnh, hoang vắng vì như thế hiệu quả sẽ thấp.
  • Khi dùng chữa cháy các thiết bị điện cao thế phải dùng ủng hoặc găng tay có cách điện, nếu chữa cháy trong phòng kín phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Cháy chất lỏng - sử dụng bình chữa cháy bột ABC

  • Bình chữa cháy bột có đồng hồ áp suất và trên bình có các ký hiệu MFZ, MFZL hoặc BC, ABC.
  • Bột chữa cháy không độc, không dẫn điện, có tác dụng cao khi chữa đám cháy nhỏ, mới nhen nhóm. 

* Cấu tạo bình chữa cháy bột ABC

  • Bình chữa cháy bột BC có các loại 8kg, 1kg, 2kg... bên trong chứa khí N2 làm lực đẩy để phun bột dập tắt đám cháy.

Cấu tạo bình chữa cháy bột ABC

  • Các chữ cái A,B,C thể hiện khả năng dập cháy:

             + A: Chữa các đám cháy chất rắn như: gỗ, bông, vải, sợi…

             + B: Chữa các đám cháy chất lỏng như: xăng dầu, cồn, rượu…

             + C: Chữa các đám cháy chất khí như: gas (khí đốt hoá lỏng)…

Số 2,4,8 là trọng lượng bột trong bình, tính bằng kg.

* Cách sử dụng bình chữa cháy bột ABC

  • Khi có cháy, người dùng xách bình tới gẩn địa điểm cháy. Lắc xóc bình từ 3-4 lần để bột tơi sau đó giật chốt hãm kẹp chì. Khi phun phải đứng ở đầu hướng gió (nếu cháy ngoài); đứng gần cửa ra vào (nếu cháy trong).
  • Giữ bình ở khoảng cách 1,5 m, bóp van bình để bột chữa cháy phun ra. Nếu khí yếu thì người dùng tiến lại gần và đưa vòi phun qua lại để dập tắt hoàn toàn đám cháy.
  • Khi phun giữ bình ở tư thế thẳng đứng và phải phun tắt hẳn mới ngừng phun.
  • Khi dập các đám cháy chất lỏng phải phun bao phủ lên bề mặt cháy, tránh phun xục trực tiếp xuống chất lỏng đề phòng chúng bắn ra ngoài, cháy to hơn.
  • Khi phun tuỳ thuộc vào từng đám cháy và lượng khí còn lại trong bình mà chọn vị trí, khoảng cách đứng phun phù hợp.
  • Bình chữa cháy đã qua sử dụng cần để riêng tránh nhầm lẫn.

Trường hợp nào dùng nước để chữa cháy?

Nước được dùng để chữa cháy trong các trường hợp sau:

  • Đám cháy vật liệu như gỗ, tre, rơm rạ, cốt ép, vải sợi,...nước được phun dưới dạng tia nước đặc, tia nước phân tán.
  • Đám cháy dầu mỏ và các sản phẩm của dầu mỏ có nhiệt độ sôi cao hơn 80 độ, nước phun dưới dạng sương mù.
  • Đám cháy thiết bị điện đã được ngắt điện và khử điện lưu, nước phun dạng tia đặc phân tán sương mù.
  • Đám cháy giếng phun dầu khí, nước được phun dưới dạng tia nước đặc.

Ở quy mô gia đình, chung cư, trong trường hợp cháy điện và cháy chất lỏng (dầu, mỡ cháy khi nấu ăn), không nên sử dụng vòi nước chữa cháy bởi các trường hợp này cần nhiều thao tác an toàn hơn. Nếu dùng nước dập lửa có thể gây điện giật hoặc cháy lan.

Đây là lí do không nên dùng nước để dập một nồi/chảo dầu đang cháy (Nguồn: Youtube)

Ngoài ra, không nên dùng nước để chữa cháy trong trường hợp:

  • Đám cháy dạng bụi: vì khi phun nước lên, bụi sẽ bị sới tung, tạo điều kiện cháy lan, cháy lớn trên diện rộng.
  • Đám cháy kim loại kiềm, axit sunphuaric: nếu xịt nước có thể gây nổ do tác dụng của nước với các hóa chất giải phóng H2.

Việc sử dụng nước để chữa cháy có khá nhiều ưu điểm: khả năng hấp thụ nhiệt lớn, dẫn đến làm giảm nhiệt độ của đám cháy; không độc; có thể dùng nước để kết hợp với các chất chữa cháy khác; có thể phun vào đám cháy ở khoảng cách xa; phổ biến…

Tuy nhiên, chữa cháy bằng nước cũng có một số hạn chế: nước có thể gây hư hỏng đồ đạc, tài sản, máy móc; khi phun nước vào đám cháy có thể tăng trọng lượng và có thể làm sập kết cấu công trình; không hiệu quả đối với một số chất cháy như than, cao su, bông vải sợi; khi chữa cháy chất lỏng trong bể chứa, tia nước mạnh có thể gây trào và bắn chất lỏng đang cháy ra ngoài, gây cháy lan.