Chiều ngày 19/1, tại Hội thảo Chiến lược Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đại học Quốc Gia TPHCM (ĐHQG-HCM): Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ những khó khăn trong hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó phải kể đến thủ tục hành chính rườm rà, mất thời gian,... ảnh hưởng đến chất lượng của một công trình nghiên cứu. Thậm chí, nếu không khắc phục những hạn chế này, có thể sẽ trở thành rào cản trong việc phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh mà ĐHQG-HCM đang hướng tới.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Võ Văn Tới, Trường Đại học Quốc tế, hiện nay những thủ tục hành chính khi đăng ký đề tài rất rườm rà. Giáo sư Tới dẫn trường hợp cụ thể là mỗi lần nộp một đề án, phải đi in ấn rất nhiều. Khi đưa lên, Hội đồng bảo sai phải sửa chỗ này, chỗ kia, phải in ấn trở lại. Đó là chưa kể chuyện nghiệm thu đề tài cũng y hệt như thế. “Tôi thấy vấn đề hành chính rất rườm rà”, Giáo sư Tới khẳng định.
GS.TS Võ Văn Tới - trường Đại học Quốc Tế, ĐHQG-HCM chia sẻ tại hội thảo.
Tương tự, Giáo sư Tiến sĩ Phan Thanh Sơn Nam, trường Đại học Bách Khoa cũng cho rằng, phần nghiệm thu đề tài cũng rất rườm rà. Hiện tại, đề tài của ĐHQG mỗi lần giữa kỳ hoặc cuối kỳ phải viết đến 3 báo cáo, 1 cuốn báo cáo tổng kết dài hơn 100 trang giống như luận án tiến sĩ. Nhưng thật ra, cuốn báo cáo này lại không có ý nghĩa gì khi ĐHQG xếp hạng. “Cuốn này rất rườm rà. Tuy nhiên, tôi nghĩ phần này chúng ta có thể cải thiện được dễ dàng vì nằm trong tầm tay của ĐHQG-HCM”, Giáo sư Nam nói.
Giáo sư Sơn Nam đề xuất cần đặt hàng trực tiếp cho các nhóm nghiên cứu mạnh và đánh giá hiệu quả các nhóm nghiên cứu này phải theo chuẩn mực quốc tế. Trong khi đó, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Bách Thắng, Trung tâm nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và Phân tử, ĐHQG-HCM chia sẻ, kinh nghiệm triển khai các chương trình hợp tác quốc tế tại nhiều đơn vị của ĐHQG-HCM thời gian qua cho thấy, hợp tác với những trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới là cách đi hiệu quả nhất nhằm xây dựng các trung tâm xuất sắc. Một khi hợp tác quốc tế đa dạng và đi vào chiều sâu, chúng ta có thể tiếp cận được các hướng nghiên cứu tiên tiến của thế giới, nâng cao năng lực nghiên cứu để công bố được trong những tạp chí uy tín hàng đầu thế giới; đào tạo được những nhà khoa học trẻ. Chúng ta phải theo chuẩn mực quốc tế để thế giới dễ dàng công nhận. Từ đó, các kết quả nghiên cứu cũng phải được đánh giá theo chuẩn quốc tế.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cho hay, chủ đề năm học 2018 của ĐHQG-HCM là Khoa học công nghệ nâng tầm hội nhập, nâng tầm hội nhập trong khu vực và quốc tế. Ông cho biết, kỳ vọng của ĐHQG-HCM đối với các nhóm nghiên cứu mạnh, thứ nhất là nâng cao xuất bản quốc tế, bởi vì đây là một trong tiêu chí rất quan trọng trong việc xếp hạng đại học. Thứ hai đó là về các bằng phát minh sáng chế, số lượng phát minh sáng chế của ĐHQG-HCM còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Và thứ ba, thông qua nghiên cứu khoa học, sẽ nâng số lượng nghiên cứu sinh đặc biệt là các nghiên cứu sinh làm đề tài và bảo vệ đề tài tại ĐHQG-HCM.
Hiện ĐHQG-HCM đã có trên 80 nhóm nghiên cứu thuộc các lĩnh vực: nghiên cứu cơ bản, công nghệ, xã hội nhân văn, kinh tế luật. Vì vậy, việc lựa chọn và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới, có thể nắm được các công nghệ chủ chốt ứng dụng đa ngành. Mục tiêu đến năm 2020, ĐHQG-HCM trở thành đại học nghiên cứu hàng đầu ở VN, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý khoa học công nghệ, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ để tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, phát triển nghiên cứu khoa học đỉnh cao và phục vụ xã hội.