Giải pháp an toàn thông tin cho đô thị thông minh

(VOH) - Những vấn đề về cơ chế chính sách, luật liên quan đến an toàn thông tin đối với người dân, chính quyền, nhà cung cấp dịch vụ, khung pháp lý, mô hình ứng cứu khẩn cấp, vận hành giám sát an ninh … được đặt ra tại hội thảo “An toàn thông tin cho đô thị thông minh” chiều 11/8.

Ông Ngô Vi Đồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đánh giá: các đô thị lớn tại Việt Nam như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và các thành phố, tỉnh thành khác rất cần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong vận hành đô thị. Tuy nhiên, hiện công tác này gặp khó khăn do thiếu các cơ sở pháp lý, nguồn nhân lực, tài chính…

Ông Đồng cho rằng, cần xây dựng các chuẩn về cơ cấu, chính sách, giải pháp để bảo vệ cho hệ thống công nghệ thông tin của thành phố được an toàn.

Nhiều ý kiến được đưa ra hội thảo “An toàn thông tin cho đô thị thông minh” chiều 11/8 tại TPHCM  

Theo các chuyên gia, hiện với hơn 5,5 triệu máy tính chạy Windows XP tại Việt Nam, rủi ro bảo mật do không còn dịch vụ hỗ trợ, đồng thời, là trung gian gây lây nhiễm phần mềm độc hại cho các máy tính, các mạng khác.

Trong khi đó, năm 2017 có 5 xu hướng sẽ xảy ra các vụ tấn công mạng tại Việt Nam như: mã độc tống tiền (ransomware) sẽ lan truyền với tốc độ cao đặc biệt sẽ xuất hiện mã độc tống tiền tấn công vào các thiết bị di động smartphone, máy tính bảng…và điện toán đám mây. Mục tiêu tiếp theo là các website của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam. Các thiết bị IoT như camera, smartTV sẽ là mục tiêu kế tiếp.

Ngoài ra, còn xuất hiện các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào cơ quan Chính phủ và hệ thống hạ tầng trọng yếu như: ngân hàng, điện lực, viễn thông, hàng không. Và xu hướng sử dụng các mạng xã hội để phát tán mã độc, lừa đảo trúng thưởng, mạo danh đánh cắp thông tin cũng diễn ra trong năm nay.