Giải quyết bạo lực học đường: bắt đầu ngay từ gia đình

(VOH - Thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường xảy ra ở nhiều địa phương với những tình tiết hết sức phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Tính chất và mức độ nghiêm trọng của một số vụ bạo lực học đường báo hiệu cho thấy sự sa sút về mặt đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của một bộ phận học sinh đã… chạm đáy.

Bạo lực học đường – chủ đề mặc dù đã được các chuyên gia giáo dục phân tích, cảnh báo từ rất lâu thế nhưng vẫn dai dẳng tồn tại. Một lần nữa, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trưởng bộ môn tâm lý học ứng dụng, Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TPHCM sẽ có những phân tích nguyên nhân cũng như đi tìm lời giải cho vấn nạn này.

* VOH: Thưa ông, thời gian gần đây hàng loạt vụ bạo lực học đường diễn ra liên tiếp. Dưới góc độ tâm lý, ông nhìn nhận vấn nạn này như thế nào?

- TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Trẻ con thỉnh thoảng gây gổ với nhau là chuyện bình thường, vì tuổi mới lớn hưng phấn thần kinh rất cao. Bên cạnh đó, mối quan hệ của các em mở rộng, bắt đầu có những va chạm trong những mối quan hệ xã hội của mình.

Vì vậy các em phải có kỹ năng để quản lý sự hưng phấn thần kinh cao của mình, đó là kỹ năng quản lý cảm xúc. Khi các em nảy sinh ra nhiều va chạm trong xã hội, các em phải có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Hai kỹ năng đó giúp cho bạo lực học đường không nổ ra, nhưng do nhà trường cũng chưa hướng dẫn, nên chuyện học sinh đánh nhau là tất yếu.

Tuy nhiên, vấn đề bất thường ở đây là chuyện gây gổ với nhau là chuyện bình thường, nhưng ngày nay tần suất gây gổ và đánh nhau càng ngày càng nhiều, gần như cơm bữa. Đặc biệt, học sinh đánh nhau theo kiểu “đại bàng” ra đòn dã man như: lấy nón bảo hiểm, thanh sắt đập vào đầu bạn chảy máu, đạp vào người bạn dẫn đến tử vong, bắt bạn quỳ gối, liếm chân… những trường hợp ra đòn như vậy không còn bình thường một chút nào nữa, ta thấy văn hóa ứng xử của một bộ phân bạn trẻ ngày nay đã chạm đáy.

* VOH: Từ những vụ bạo lực học đường nảy sinh một số vấn đề xã hội như: quan hệ đồng tính ở giới trẻ, báo động tình trạng thiếu hụt một số kỹ năng ở học sinh, thanh thiếu niên (kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng đương đầu với áp lực…). Theo ông có đúng như vậy không? 

- TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Thực tế, phụ huynh thử nghĩ xem bao nhiêu người trong chúng ta ngồi lại với con cái để hướng dẫn con cách kiềm chế cơn giận? Bao nhiêu phụ huynh hướng dẫn con cách tháo gỡ mâu thuẫn với bạn bè? Hay bao nhiêu nhà trường đã tổ chức những buổi hướng dẫn kỹ năng ứng xử, kỹ năng tháo gỡ bất đồng cho học sinh?

Sau khi các trường hợp bạo lực học đường xảy ra, bao nhiêu nhà trường hướng dẫn các em cách để ngăn ngừa bạo lực xảy ra thay vì kỷ luật… Vì vậy, do thiếu kỹ năng ứng xử nên học sinh hành xử một cách rất bản năng, đó là bạo lực. Ngày nay, phụ huynh và nhà trường đều bận rộn, cha mẹ thì lo kiếm tiền, không có thời gian bên cạnh con nhưng chắc rằng, nếu có thời gian thì cha mẹ cũng không nắm được phương pháp giáo dục con, bởi vì không có khóa học nào hướng dẫn người ta cách dạy con cả.

Cho nên nhiều phụ huynh chỉ biết la mắng con thôi và la mắng thì không phải là cách để giáo dục con hiệu quả. Còn nhà trường rất nặng với bài vở, kiến thức chương trình nên không có thời gian để dạy văn hóa ứng xử cho các em. Việc các em thiếu kỹ năng sống, các em cư xử theo bản năng… đó là lỗi của người lớn chúng ta. Khi trẻ hư, trẻ bạo lực hay đánh nhau thì chính người lớn phải tự lên án mình, chứ không phải lên án các em.

* VOH: Bạo lực học đường là vấn đề không mới, thế nhưng gần đây nó lại trở lại với những vụ việc nghiêm trọng hơn. Theo ông, để giải quyết nạn bạo lực trong trường học, chúng ta bắt đầu từ đâu?

- TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Rễ chắc thì cây mới khỏe. “Rễ” ở đây chính là sự giáo dục trong gia đình của các em. Thật ra nhà trường cũng có chức năng là giáo dục, tuy nhiên nhân cách trẻ hình thành ngay từ trong chính gia đình. Nhưng thực tế, đôi khi cha mẹ cũng không làm gương cho con cái về chuyện bạo lực trong gia đình, thậm chí cha mẹ làm gương xấu, gương đen trong việc đánh nhau giữa các thành viên trong gia đình, hay bạo lực với con cái.

Nếu cha mẹ dạy con cái đúng, dạy khoa học, uốn nắn cho con từ nhỏ thì con của chúng ta sẽ rất ngay thẳng, còn nếu cha mẹ bỏ mặc con cái hoặc dạy dỗ không đúng thì nhân cách của con trở nên “xiêu vẹo” là điều dễ hiểu. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần phải bắt đầu ngay từ trong chính gia đình của mình, người lớn hãy ngưng lên án trẻ con.

Nhà trường, xã hội và cả truyền thông cũng ngưng lên án trẻ con. Cha mẹ hãy dành thời gian mỗi ngày 15 phút bên cạnh con, kể cho con nghe những câu chuyện như: nếu như con và bạn cùng va vào nhau trong sân trường, con sẽ nói gì? Thay vì chửi bạn, hãy nói lời xin lỗi và hỏi thăm bạn có sao không? Nếu bị bạn nói xấu trong lớp, con phải làm sao? Thay vì con nói xấu lại bạn, hãy đối thoại với bạn mình đã làm gì sai để bạn nói xấu thế. Hai đứa phải tìm ra nguyên nhân để tháo gỡ nút thắt đó thì mâu thuẫn mới hết.

Văn hóa ứng xử chính là cái mà ba mẹ cần phải hướng dẫn cho con của mình. Ngoài ra, ở nhà trường cần phải giáo dục về cư xử lễ nghĩa với nhau cho học sinh trước. Nhà trường cần giáo dục cho các em hiểu, nếu xảy ra đánh nhau các em chỉ đứng xem, thậm chí cổ vũ thì chính các em cũng là thủ phạm trong học đường.

Chúng ta phải giáo dục rằng, nếu thấy cảnh đánh nhau, em nào có sức khỏe nên vào can ngăn, nếu không em phải huy động các bạn khác cùng can ngăn, hoặc nếu không phải báo cho giám thị đến can ngăn… chứ không phải lấy điện thoại ra để quay lại, đứng xem, vỗ tay cổ vũ.

Chính nhà trường, không chỉ giáo dục kỹ năng ứng xử, quản lý cảm xúc mà còn hình thành môi trường để khi bạo lực xảy ra ta phải dập tắt ngay từ đầu, chứ không phải chúng ta chỉ lên án rồi đuổi học học sinh. Đặc biệt, môi trường xã hội ngày nay thật sự mà nói là không trong sạch, nên những nhà quản lý xã hội phải thanh lọc môi trường xã hội, thanh lọc những môi trường văn hóa phẩm tồn tại xung quanh trẻ để các em tiếp thu những điều hay, những tấm gương để các em nuôi “con cừu” trong mình chứ không phải “con sói”. Vì vậy, gia đình – nhà trường – xã hội phải thật sự bắt tay vào làm.

* VOH: Cám ơn ông!