Bắt nguồn từ thực tế: quê hương Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam là vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh, nhưng nguồn nguyên liệu lại chưa được tận dụng hiệu quả, người dân nơi đây lại khó tiếp cận với sản phẩm quý hiếm, có giá trị cao, bổ dưỡng; sinh viên Bùi Như Viên, đã xây dựng đề án sản xuất cao, từ lá sâm Ngọc Linh để mang đến cho người tiêu dùng trung bình dòng sản phẩm quý này. Với phần thuyết trình trỗi trãi, lập luận chắc chắn, xử lý tình huống hợp lý, đề án “Cao lá sâm Việt TPV - Elite Ginseng” đã giành giải nhất cuộc thi.
Sinh viên Bùi Như Viên với đề án “Cao lá sâm Việt TPV - Elite Ginseng” đã giành giải nhất cuộc thi.
Đề án “Tư vấn, thiết kế, xây dựng vườn rau sạch tại nhà” của sinh viên Trần Phi Sơn, Đại học Đồng Tháp đạt giải nhì, giải 3 là đề án “Dịch vụ giao hàng tại nhà – Chổi bay” của sinh viên Phan Huỳnh Xuân Thịnh, Đại học Mở TPHCM. Năm nay, rất nhiều thí sinh có ý tưởng khởi nghiệp về nông nghiệp, xu hướng kinh doanh trên mạng cũng thu hút nhiều bạn trẻ với các ý tưởng làm phần mềm, app tiện ích, đào tạo online... và mảng đề tài dịch vụ rất thiết thực. Cách trình bày đề án cho thấy các em rất tâm huyết với ý tưởng của mình, đặc biệt là đã có đề tài được triển khai vào thực tế, mang lại lợi nhuận, có sản phẩm mẫu.
Có 20 thí sinh là chủ thể của 13 đề án kinh doanh đạt giải thưởng tài năng Lương Văn Can 2016.
Tổng kết cuộc thi có 20 thí sinh là chủ thể của 13 đề án kinh doanh đạt giải thưởng tài năng Lương Văn Can 2016. Đây là giải thưởng nhằm góp phần truyền bá tư tưởng, đạo đức làm giàu tiến bộ của doanh nhân Lương Văn Can; là sân chơi dành cho giới tri thức trẻ - những doanh nhân tương lai, giúp họ sớm tiếp cận với tư tưởng làm giàu hiếu nghĩa và trung thực, phù hợp với đạo lý làm giàu của người Việt Nam.