Chờ...

Giảng dạy lý luận chính trị thời 4.0: Hướng tới đào tạo trực tuyến

(VOH) - Đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng hiện đại, phù hợp đối tượng là yêu cầu cấp bách trong thời đại hội nhập.

Tại các nước đang phát triển, giáo dục trực tuyến là cơ hội lớn để đẩy nhanh cải cách giáo dục, đào tạo. Việc nghiên cứu và vận dụng hình thức đào tạo, bồi dưỡng này có ý nghĩa thực tiễn lớn trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo ở Việt Nam.

Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước tận dụng những cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng nói riêng. Trong đó, bồi dưỡng, đào tạo trực tuyến là một xu hướng tất yếu mà các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở nước ta cần đón đầu và nắm bắt, thích ứng để triển khai có hiệu quả.

Vấn đề này có ý nghĩa quan trọng để tạo ra nguồn nhân lực về lý luận chính trị cho đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là nội dung VOH trai đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Đức Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Đức Ngọc

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Đức Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: hcmcpv

*VOH: Thưa ông, đào tạo trực tuyến hiện đang là một xu thế tất yếu. Đối với việc đào tạo về lý luận chính trị thì hình thức bồi dưỡng, đào tạo trực tuyến có ý nghĩa gì?

- Phó giáo sư - Tiến sĩ Mai Đức Ngọc: Việc đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị bằng hình thức trực tuyến nó có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao trình độ về lý luận chính trị đối với đông đảo người học. Trước hết, lý luận chính trị sẽ trở thành sức mạnh vật chất khi thâm nhập vào quần chúng và thực tiễn. Thế nhưng, hiện nay, các nhà trường, cơ sở giáo dục, việc xây dựng các chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức phù hợp cho đông đảo đối tượng người học cũng chưa được quan tâm nhiều. Do mô hình đào tạo nhà trường truyền thống, khả năng tiếp nhận người học để tổ chức đào tạo một cách bài bản rất khó khăn. Cho nên, tôi nghĩ chính hình thức đào tạo trực tuyến này sẽ tạo cơ hội cho người học rất nhiều thời gian, địa điểm, không gian khác nhau để có thể cập nhật kiến thức nâng cao trình độ của mình. Do đó, việc đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị bằng hình thức trực tuyến nếu như làm tốt, sẽ đem lại hiệu quả rất cao trong thời gian tới.

*VOH: Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo trực tuyến các môn lý luận chính trị, hiện nay tâm lý chung vẫn còn nghi ngại về chất lượng đào tạo của hình thức trực tuyến. Theo ông, để đào tạo lĩnh vực đặc thù này bằng trực tuyến và có hiệu quả, cần đặt ra những giải pháp nào?

- Phó giáo sư - Tiến sĩ Mai Đức Ngọc: Thực tế, xu hướng đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị trực tuyến đây là xu thế chung của các trường đào tạo, bồi dưỡng kể cả trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới của phương thức đào tạo này cũng đặt ra những thách thức nhất định. Thách thức đầu tiên, tôi nghĩ đó là nhận thức. Nhận thức của cả phía người dạy và người học, của các cơ quan quản lý về việc làm thế nào để đào tạo lý luận chính trị bằng hình thức này có chất lượng thực sự, tránh việc học và cấp văn bằng, chứng chỉ thật nhưng kiến thức thì ảo. Do đó, kể cả người dạy, người học, cơ quan quản lý phải có nhận thức đúng về hình thức đào tạo bồi dưỡng này. Thông qua nhận thức đúng, chúng ta mới có các hành động, đầu tư cho nó có chất lượng thực sự. Cho nên, từ nhận thức đúng chúng ta sẽ dẫn đến đầu tư. Trước hết là đầu tư về cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu của học trực tuyến. Bởi vì, đào tạo trực tuyến phải sử dụng các công nghệ mới nhất, trang thiết bị kỹ thuật ban đầu.

Muốn được như vậy, trường phải có đầu tư về kinh phí. Nếu chúng ta nhận thức không đúng mà đi đầu tư những kỹ thuật lạc hậu sẽ không đáp ứng được yêu cầu của phương pháp đào tạo này. Thứ hai, từ nhận thức đúng, chúng ta có sự đầu tư về nguồn nhân lực. Hiện, khó khăn của chúng ta khi triển khai đào tạo trực tuyến, đó là các cơ sở đào tạo chưa có nguồn nhân lực giảng viên để tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng này. Trước hết, chúng ta phải đào tạo nhà giáo dục, tức đội ngũ giảng viên, đây cũng là khó khăn mà các cơ sở đào tạo phải chuẩn bị. Thứ ba, đầu tư về chương trình, nội dung đào tạo. Vì đào tạo trực tuyến là phải cập nhật, bổ sung thường xuyên, chi phí sẽ lớn. Trong khi đó, các cơ chế chính sách để thực hiện hình thức đào tạo này lại chưa có. Chính vì như vậy, , các cơ sở đào tạo, các nhà quản lý phải quan tâm xây dựng các cơ chế chính sách để quản trị tốt phương thức đào tạo bồi dưỡng này.

*VOH: Hiện nay tại cơ sở đào tạo của mình, vấn đề triển khai việc đào tạo trực tuyến các môn lý luận chính trị hiện ra sao?

- Phó giáo sư - Tiến sĩ Mai Đức Ngọc: Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trường đảng, cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia. Trường có chức năng đào tạo giảng viên lý luận chính trị, đào tạo đội ngũ cán bộ lý luận tư tưởng cho cả hệ thống chính trị và cho các trường đại học trong cả nước. Với nhiệm vụ, chức năng lớn như vậy, chúng tôi nhận thức rằng để hoàn thành được nhiệm vụ của mình thì phải luôn luôn tiếp cận các phương thức đào tạo tiên tiến trên thế giới. Chúng tôi nhận thấy hình thức đào tạo trực tuyến đang là xu thế chung. Cho nên, trước hết chúng tôi rất quan tâm vấn đề này. Để triển khai, hiện chúng tôi đang tham gia một đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm đăng ký Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là đề tài “Đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị và báo chí truyền thông trực tuyến ở Việt Nam hiện nay”. Trên cơ sở các tọa đàm, trao đổi, hội thảo với các nhà khoa học, nhà quản lý, và với đông đảo đối tượng người học để làm thế nào triển khai phương thức này một cách hiệu quả nhất ở nhà trường. Hiện chúng tôi đang từng bước đi vững chắc, để khi triển khai thí điểm, nếu có kết quả tốt chúng tôi sẽ mở rộng triển khai đào tạo đại trà, đồng thời nhân rộng ra các cơ sở đào tạo khác.

*VOH: Cảm ơn ông!