Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giáo dục đa văn hoá ở các trường Đại học Việt Nam trong bối cảnh cộng đồng ASEAN, tầm nhìn đến 2025

(VOH) - Tọa đàm “Giáo dục đa văn hóa ở các trường đại học Việt Nam trong bối cảnh cộng đồng ASEAN, tầm nhìn đến 2025” là một hoạt động ý nghĩa để kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập hiệp hội ASEAN.

Chiều ngày 3/12, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM phối hợp Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TPHCM và Viện đào tạo quốc tế - Đại học Quốc tế TPHCM tổ chức tọa đàm giáo dục đa văn hoá ở các trường Đại học Việt Nam trong bối cảnh cộng đồng ASEAN, tầm nhìn đến 2025.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Bùi Thị Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM nhấn mạnh: Hợp tác giáo dục giữa các thành viên ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia và sự thịnh vượng chung của khu vực ASEAN.

Tọa đàm “Giáo dục đa văn hóa ở các trường đại học Việt Nam trong bối cảnh cộng đồng ASEAN, tầm nhìn đến 2025” là một hoạt động ý nghĩa để kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập hiệp hội ASEAN, cung cấp cho ngành giáo dục có cái nhìn sâu sắc và đa chiều về hiện trạng và hướng hợp tác trong tương lai trong lĩnh vực giáo dục đại học ở khu vực Châu Á.

Điều này sẽ tạo nền tảng giúp các trường đại học ở Việt Nam xây dựng các phương thức nâng cao số lượng và chất lượng của các hoạt động hợp tác giáo dục với các trường đại học trong cộng đồng ASEAN một cách hiệu quả và sáng tạo.

Đa số các đại biểu cho rằng, mục tiêu phát triển giáo dục và tầm quan trọng của hợp tác giáo dục Việt Nam trong ASEAN đó là phát triển khung tham chiếu kỹ năng của từng quốc gia và hướng tới khung tham chiếu kỹ năng của khu vực ASEAN; Thúc đẩy sự dịch chuyển ngày càng dễ dàng hơn giữa sinh viên của các nước; hỗ trợ sự di chuyển của những người lao động có kỹ năng tốt thông qua các sự hợp tác giữa các quốc gia và nỗ lực tạo dựng những tiêu chuẩn chuyên nghiệp về giáo dục; Phát triển chuẩn nghề nghiệp dựa trên năng lực của cộng đồng ASEAN; khuyến khích sự phát triển của các chuẩn chung về năng lực để thúc đẩy sự hội nhập giữa các quốc gia.

Theo các đại biểu, các trường đại học Việt Nam cần chủ động dựa trên 8 nhóm ngành được công nhận tay nghề tương đương di chuyển trong nội khối; giữa các trường đại học quốc gia trong ASEAN; tăng cường giao lưu văn hóa; Trao đổi sinh viên giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học ASEAN; công nhận tín chỉ các môn học tương đương; Tổ chức các lớp hè, nghiên cứu thực địa, giao lưu văn hóa,... Bên cạnh đó, các trường đại học có thể thành lập trung tâm/trang web giới thiệu việc làm, cung ứng lao động chất lượng cao đi làm việc, hợp tác nghiên cứu, giảng dạy ở ASEAN,…

Cũng tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng cần tăng cường nội dung giáo dục hiện đại, đa văn hoá và cập nhật chương trình đào tạo chuẩn theo xu hướng phát triển mới của thị trường; mở rộng hợp tác với các trường đại học, tổ chức giáo dục và viện nghiên cứu trong khu vực ASEAN; Cung cấp cho sinh viên kiến thức tổng quan về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của các nước, quan hệ ngoại giao và hợp tác thương mại giữa Việt Nam với khu vực và thế giới…

Bình luận