Bạo lực học đường - giải pháp sư phạm hay luật?

(VOH) - Bạo lực học đường tuy không phải là hiện tượng mới nhưng thời gian gần đây lại xảy ra thường xuyên hơn. Làm thế nào để ngăn chặn bạo lực học đường ?

VOH phỏng vấn Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Thưa Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, ông đánh giá bạo lực học đường ngày nay đang diễn biến như thế nào ?

Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công: Ngày nay, các giá trị của cá nhân, giá trị của con người nó có nhiều thay đổi bởi sự tác động của thông tin và truyền thông cũng như lối sống, đời sống. Chính vì vậy, theo quan điểm cá nhân, bạo lực trong trường học hiện nay đa dạng và nhiều hình thức hơn so với trước đây. Trước đây các em chỉ mới ở mức độ kiểu đánh nhau bằng tay, chân hay la mắng, bỏ bê nhau hoặc là xúc phạm nhau. Thế nhưng bây giờ đa dạng hơn, nhiều hình thức khác nhau ở mức độ trầm trọng.

Giáo dục giá trị sống tích cực cho học sinh để ngăn chặn bạo lực học đường 1
Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần - Ảnh: songphopsy.

*VOH: Với thầy Huỳnh Thanh Phú thì đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Thầy Huỳnh Thanh Phú: Gần đây chúng ta thấy cường độ của bạo lực học đường tăng lên. Có 3 nguyên nhân: từ gia đình, nhà trường và xã hội. Đời sống khó khăn, vật giá leo thang, nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến phụ huynh phải tất bật, chật vật… Những áp lực cuôc sống, những chuyện nhỏ trong gia đình và cả các xung đột của người lớn đều trút lên đứa trẻ, khiến chúng bị sang chấn tâm lý, đây cũng là nguồn gốc của lý do bạo lực học đường tăng.

Hiện nay chương trình giáo dục còn nặng nề, bên ngoài xã hội tràn lan game bạo lực. Tâm lý lứa tuổi thiếu niên, chạy theo thần tượng, đua đòi, bắt chước… lứa tuổi nổi loạn nên chỉ với những va chạm nhỏ thôi cũng không thể bỏ qua.

Và cứ có chuyện xảy ra thì các em lại sử dụng smartphone để livestream, đưa lên mạng để theo trend, câu view. Chính những cái yếu tố đó dẫn đến xung đột.

*VOH: Khi một vụ việc xảy ra, có thực tế là nhiều trường cũng đã buộc thôi học với các em học sinh đánh bạn. Thầy Huỳnh Thanh Phú có ý kiến như thế nào với vấn đề này ? Với riêng trường Nguyễn Du, đã làm thế nào để đẩy lùi bạo lực học đường ?

Thầy Huỳnh Thanh Phú: Đuổi học một học sinh là sự bế tắc của nhà trường! Dĩ nhiên có những trường hợp đuổi học là do vi phạm pháp luật với tính chất nghiêm trọng. Tuy nhiên, để xảy ra xung đột trong học đường, rõ ràng khâu tầm soát của nhà trường yếu kém. Nếu trường hợp có xảy ra xung đột, nhà trường phải lấy thông tin từ nhiều phía, kết hợp với phụ huynh, gia đình 2 bên để giải quyết dứt điểm, rõ ràng và minh bạch. Nhà trường phải trả lời được sự việc đó xảy ra như thế nào; xử lý ra sao, giải quyết hậu quả thế nào.

Giáo dục giá trị sống tích cực cho học sinh để ngăn chặn bạo lực học đường 2
Trường PTTH Nguyễn Du xây dựng mối liên kết giữa học sinh với học sinh và lòng tin của học sinh với nhà trường như một biện pháp hữu hiệu để chống bạo lực học đường - Ảnh minh họa: Báo Giáo dục TPHCM

Về vấn đề tầm soát bạo lực học đường, biện pháp của trường PTTH Nguyễn Du là "xây để chống" ! Trước hết, Đoàn thanh niên phải tổ chức nhiều các hoạt động vui chơi. Các đợt tham quan ngoại khóa là điều kiện tốt để các em trải nghiệm và kết nối, được chia sẻ nhau. Thứ hai, tổ chức các hoạt động, sự kiện mang tính giáo dục, định hướng nghề nghiệp của các em sau này. Thứ ba là nhà trường phải tổ chức các hoạt động gắn liền với hoạt động chuyên môn. Ví dụ hội chợ nghiên cứu khoa học, viết kịch bản sân khấu hóa hay là những ca khúc bằng tiếng Anh… để học sinh vừa chơi mà vừa học.

Riêng Trường THPT Nguyễn Du, chúng tôi có “Ban tư vấn học đường 24/7” qua smartphone, bất cứ thông tin nào của các em, những trăn trở, gút mắc trong cuộc sống, những xung đột của các em ở gia đình hay trong lớp học, các em đều nhắn tin cho thầy cô, và thầy cô xử lý rất nhanh. Có những vụ xảy ra lúc 23-24 giờ đêm, khi nhận được thông tin, chúng tôi lập tức kết nối với phụ huynh và giải quyết vấn đề ngay trong đêm đó. 

*VOH: Rõ ràng là trách nhiệm đẩy lùi bạo lực học đường không chỉ ở phía nhà trường mà còn là của gia đình và sự chung tay của xã hội. Thưa Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, ông có ý kiến gì thêm về vấn đề này không ạ?

Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công: Việc đầu tiên, chúng ta phải giáo dục giá trị sống tích cực cho mỗi học sinh, kể cả giáo viên. Nếu không sớm đưa giáo dục về giá trị con người, giá trị sống và các nhận thức tích cực đến với học sinh thì các em sẽ có khuynh hướng nghiêng về thể hiện bạo lực.

Thứ hai là chúng ta phải đánh giá được những khó khăn của chính học sinh để từ đó tìm cách thức hỗ trợ phù hợp. Hiện nay chúng ta chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức, chứ chưa chú ý đến những khó khăn của lứa tuổi này. Các em chưa được học cách thức để nói, để phản biện với những tình huống.

Thứ ba là chính giáo viên cũng cần phải được giúp đỡ, để có thể làm tốt vai trò của họ. Cần tạo cơ hội để giáo viên thể hiện năng lực của mình. Đồng thời đảm bảo giáo viên phải sống được với nghề nghiệp mà họ theo đuổi.

*VOH: Cảm ơn Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công và Thầy Huỳnh Thanh Phú.