Tại hội nghị, các đại biểu đã bày tỏ những khó khăn trong công tác tuyển sinh, thu hút người học, đề xuất giải pháp cùng tháo gỡ những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách phối hợp trong công tác đào tạo nghề giữa các bộ, ngành có liên quan.
Tính đến cuối năm 2019, cả nước có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó gần 400 trường cao đẳng, 462 trường trung cấp, hơn 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/giáo dục thường xuyên. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp rộng khắp cả nước, góp phần thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo đến mọi vùng miền, tạo cơ hội thuận lợi cho người học nghề.
Toàn cảnh hội thảo
Nhìn nhận những thách thức trong thời gian qua, các đại biểu nhận định giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự được học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông và thanh niên coi là con đường hấp dẫn và đáng lựa chọn để lập thân, lập nghiệp và cũng không được coi là một trong những điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Một nguyên nhân nữa, tuyển sinh đại học với quy mô lớn và điều kiện tuyển sinh dễ dàng trong khi công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa được thực hiện quyết liệt và đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. 75% tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp là trình độ sơ cấp, công tác dự báo nhu cầu nhân lực thị trường lao động chưa tốt, công tác tư vấn, hướng nghiệp, gắn kết đào tạo với thị trường lao động chưa hiệu quả.
Đại biểu chia sẻ tại Hội thảo
Chia sẻ thực tế tại địa phương, ông Thân Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho hay, hiện nay nhận thức về học nghề tại tỉnh cũng đã có những sự thay đổi nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, đó là: “Hiện nay, khó khăn trong việc giải quyết vấn đề lao động của tỉnh Cà Mau, cứ 5 người thì chỉ có 2 người làm việc tại Cà Mau, còn 3 người thì làm việc ở tỉnh khác. Bởi vì điều kiện của địa phương đang trong quá trình phát triển cho nên sức hấp thu lao động còn thấp. Tôi nghĩ các tỉnh khác cũng khó khăn nhưng ở mức độ khác nhau”
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Gia Lai cũng chia sẻ: “Riêng ở Gia Lai, em nào khi tốt nghiệp trung cấp mà đi xin việc làm thì yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Nếu như các ngành nghề khác có thể tự tham gia thị trường lao động thì với khối ngành văn hóa nghệ thuật tham gia thị trường lao động thì hơn hai phần ba là xin vào biên chế nhà nước, hoặc hợp đồng làm việc tại các cơ quan của ngành văn hóa, trung tâm văn hóa….thì cũng phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc này cũng chưa thống nhất từ trước của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho tới bây giờ”
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, trong 6 tháng đầu năm, công tác tuyển sinh, đào tạo chương trình chất lượng cao và đào tạo nhân rộng chương trình chuyển giao từ Úc được đẩy mạnh. Đến nay, đã có 8 trường cao đẳng hoàn thành Đề án đào tạo thực hiện chương trình chất lượng để triển khai tuyển sinh, đào tạo 33 ngành, nghề chủ yếu trình độ cao đẳng từ năm 2020. Chỉ sau gần 3 tháng chỉ đạo đẩy mạnh tuyển sinh đào tạo chương trình chất lượng cao, rất nhiều trường khác đang chuẩn bị Đề án. Một kết quả đáng lưu ý là việc triển khai mô hình đào tạo trình độ cao đẳng cho đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở, hay còn gọi là mô hình 9+ trong năm 2019, 6 tháng đầu năm 2020 càng cho thấy đây là mô hình, hướng đi hiệu quả, tháo gỡ phân luồng tại Việt Nam. Rất nhiều trường triển khai thành công mô hình này. Theo Tiến sĩ Trương Anh Dũng, chú trọng kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh mới cũng phải được các trường nghề đặc biệt quan tâm: “Có 5 yêu cầu mới đặt ra, đó là số hóa, xây dựng một hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, yêu cầu chuyển đổi cơ chế hoạt động cơ chế tài chính sang mô hình tự chủ; Vấn đề đào tạo gắn với doanh nghiệp gắn với thị trường; kể cả yêu cầu những kỹ năng mới cho người học, đơn cử như kỹ năng số, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp….là những kỹ năng mà lâu nay trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp có nhiều trường làm tốt, nhưng vẫn có nhiều trường chưa làm được”
Để giáo dục nghề nghiệp phát triển, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai mô hình đào tạo mô hình đào tạo 9+, tăng cường thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học giáo dục nghề nghiệp. tăng cường đào tạo trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo giáo dục nghề nghiệp linh hoạt cho người học. Thúc đẩy, khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo chất lượng cao, nhân rộng đào tạo theo các chương trình chuyển giao từ nước ngoài đã thành công, để nhanh chóng có được nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp cận quốc tế.
Đa thanh sắc trong bộ sách 'Lớp học 1 – 0 – 2': Lớp học 1 – 0 – 2 là bộ sách của người trẻ viết cho người trẻ với thông điệp nhận diện bản thân, nhận diện những cá tính quanh mình để cùng nhau hòa đồng vào thế giới rộng lớn, đa ...
Quy định về cộng điểm ưu tiên, điểm khuyến khích trong kì thi tốt nghiệp THPT 2020: Một số đối tượng sẽ được cộng điểm ưu tiên, điểm khuyến khích thi tham dự kì thi tốt nghiệp THPT 2020.