Giáo dục ngoại thành tự tin cất bước

(VOH) - 45 năm sau ngày giải phóng, Thành phố với sự năng động, sáng tạo, tích cực hội nhập phát triển, không chỉ trở thành trung tâm tài chính kinh tế mà còn là trung tâm văn hoá xã hội của cả nước.

Xác định phương châm giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, nên chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực Thành phố luôn được tạo những điều kiện tốt nhất để phát triển. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, phóng viên Tuyết Nhung có Loạt bài "Tự hào Giáo dục Thành phố mang tên Bác" nhằm ghi nhận những kết quả thời gian qua của ngành.

Bài 1 với nhan đề "Giáo dục ngoại thành tự tin cất bước" cho thấy việc nâng chất giáo dục ngoại thành, kéo giảm khoảng cách trong tiếp cận tri thức giữa quận và huyện là một trong những nỗ lực của ngành giáo dục thành phố. 

Ngôi trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Thạnh An, nằm trên xã đảo Thạnh An thuộc huyện Cần Giờ được đưa vào hoạt động từ năm học 2018-2019 không chỉ mang đến niềm vui, sự thuận tiện mà còn cả hi vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho nhiều người dân trên đảo. Tại TPHCM đây là nơi khó khăn nhất trong những nơi khó khăn, trở ngại nhất so với những nơi có nhiều trở ngại. Có thể hình dung, một ngôi nhà xây dựng trên đất liền trị giá khoảng 200 triệu đồng thì khi thực hiện trên đảo phải tăng hơn gấp đôi do các chi phí phát sinh như vận chuyển lên tàu, thuê nhân công bốc vác xếp dỡ... và trường học cũng thế. Trước đây, học sinh trong xã học xong cấp 2, muốn tiếp tục học lên phải vào đất liền trọ học. Con đường đến trường cũng phải tròng trành theo những chuyến tàu nối bờ và đảo. Đầu tuần đi, cuối tuần về, chi phí phát sinh từ việc đi lại trọ học càng làm nhọc nhằn thêm cuộc sống của các hộ dân nơi đây. Vì vậy, việc có được một ngôi trường khang trang chính là niềm mơ ước của bao thế hệ học sinh trong xã. Ông Lương Văn Minh, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Trung học phổ thông Thạnh An nói về vai trò của ngôi trường: " Đội ngũ giáo viên khi được Sở tuyển dụng về đây đã nhiệt tình, đóng góp cho xã đảo. Học sinh phấn khởi khi không phải đi xa để học. Từ đó, thay đổi cách thức học. Bởi vì trước đây, khi phải đi học xa, những em nhiệt huyết lắm thì các em theo học, còn các em không nhiệt huyết thì bỏ ngang. Từ khi thành lập trường, đa số các em đều được đến trường học. Nhờ vậy, nâng cao được trình độ dân trí của xã."

Ảnh minh họa: PN

Ngoại thành thường gắn với khó khăn, phụ huynh nơi đây cũng khá bận rộn mưu sinh với đủ các ngành nghề khác nhau từ nông dân, công nhân đến lao động nhập cư. Tuy nhiên, tinh thần hiếu học thì không lúc nào ngơi nghỉ. Phát huy tinh thần đó, ngành giáo dục một mặt xây dựng các sân chơi học thuật, một mặt tạo những điều kiện tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục ngoại thành. Các lớp học kỹ năng như phổ cập bơi được triển khai hầu hết ở các trường. Các lớp năng khiếu như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, câu lạc bộ robotic cũng tuỳ điều kiện từng trường mà triển khai rộng rãi. Trong những ngày nghỉ học vì dịch bệnh Covid -19 vừa qua, học sinh ngoại thành cũng như các bạn nội thành vẫn được học tập, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận bài học trực tuyến, đảm bảo đầy đủ nội dung học tập theo chương trình. Giáo viên Phạm Thị Thanh Nhung, Bộ môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn thông tin: "Trong giảng dạy, giáo viên thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin, gắn các nội dung giáo dục với địa phương như giáo dục lịch sử địa phương, tìm hiểu ngành nghề tại địa phương... Bên cạnh đó, dù là ngoại thành, nhưng giáo viên luôn tích cực tìm tòi nghiên cứu, nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt là công tác hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học. Hàng năm, trường đều có các đề tài nghiên cứu thiết thực, liên quan các vấn đề như môi trường, năng lượng. Các đề tài do học sinh thực hiện dưới sự hướng dẫn của các giáo viên trong trường"  

Sự quan tâm của Thành phố, sự nỗ lực của giáo viên, học sinh ngoại thành cũng đã được ghi nhận một cách xứng đáng, khi mà một số cấp học ở các huyện ngoại thành có tỷ lệ học sinh giỏi cao hơn mức bình quân chung của các quận huyện. Cụ thể như tỷ lệ học sinh giỏi khối trung học cơ sở của huyện Nhà Bè, tỷ lệ học sinh giỏi trung học phổ thông của huyện Củ Chi .... Đặc biệt, học sinh ngoại thành cũng đã khẳng định được khả năng của mình khi đạt được nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước như: em Huỳnh Công Hoà, Trường trung học cơ sở Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn huy chương vàng Robotacon quốc tế; em Phạm Hoàng Ân và Huỳnh Thị Thanh Tâm, trường trung học phổ thông Long Thới, huyện Nhà Bè đạt giải 3 cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia... Những giải thưởng không chỉ học sinh nội thành mà học sinh cả nước, thậm chí quốc tế đều mong đợi. Chia sẻ về điều kiện học tập ở ngoại thành, học sinh Huỳnh Công Hoà, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cầu, Huyện Hóc Môn, huy chương vàng Robotacon quốc tế năm 2018 cho rằng: "Đối với em, không khác biệt nhiều. Khả năng các bạn học sinh nội thành và em ở ngoại thành cũng tương đương nhau. Có thể em hơi may mắn hơn các bạn một chút, chứ em thấy các bạn cũng rất giỏi. Điều kiện học tập cũng không khác nhiều nhưng mà em thấy có vẻ không áp lực đối với em"

Là thành phố đáng sống nghĩa tình, nên việc xoá bỏ dần khoảng cách giáo dục giữa ngoại thành và nội thành là một trong những việc làm luôn được ưu tiên thực hiện. Bằng nhiều cơ chế chính sách, từ việc vận động xã hội hoá giáo dục ở những khu vực có điều kiện, đến sự ưu tiên ngân sách cho những vùng khó khăn, hay mở rộng các tiêu chí tuyển dụng giáo viên hộ khẩu từ các tỉnh... đều hướng đến đảm bảo sự đồng đều về khả năng tiếp cận giáo dục cho học sinh. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định luôn dành những chính sách đầu tư tốt nhất cho khu vực ngoại thành: "Trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, chúng tôi rất quan tâm đặc biệt đối với các huyện ngoại thành. Bởi vì, chính các thầy cô sẽ là cốt lõi giúp học sinh có thể đạt được căn bản và học giỏi. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện học tập được thành phố rất quan tâm, nên học sinh ở những vùng khó khăn vẫn có đủ phương tiện để tiếp cận ví dụ: phòng học thông minh, bảng tương tác, phòng thí nghiệm, thư viện điện tử... Càng ngày càng giúp cho học sinh có sự đồng đều hơn".

Nói về chính sách cho sự phát triển, mọi người vẫn thường ví von với hình ảnh đàn chim. Nếu những cánh chim đầu đàn đại diện cho những cá nhân tinh hoa, vươn lên dẫn đầu, thì những cánh chim cuối đàn là những cá nhân yếu thế cần sự hỗ trợ. Để có được những kết quả giáo dục như thời gian qua, một trong những yếu tố quan trọng chính là thành phố đã đảm bảo mức sàn tối thiểu cho giáo dục. Đảm bảo chổ học cho 100% con em cư dân thành phố dù có hộ khẩu hay không, ưu tiên sự đầu tư cho những khu vực khó khăn của ngoại thành luôn được xác định là sự đầu tư quan trọng. Bởi vì, tốc độ bay nhanh chậm, quảng đường bay xa gần và thế cân bằng cho sự phát triển bền vững không thể thiếu sự đóng góp của những cánh chim cuối đàn.

Chi tiết lịch đi học trở lại và kế hoạch học tập của học sinh TPHCM: Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM đã lên phương án cho học sinh đi học trở lại theo từng khối lớp, không tập trung đồng loạt.

 

Trường Đại học Bách khoa TPHCM chế tạo thành công buồng khử khuẩn di động trong 30 giây: Trường Đại học Bách khoa TPHCM vừa chế tạo thành công buồng khử khuẩn di động trong 30 giây.