Giọt mồ hôi từ Labo để có sữa "cứu người"

(VOH) - Làm sao để bệnh nhân nghèo đảm bảo dinh dưỡng dù không có điều kiện kinh tế khi nằm viện… chính câu hỏi ấy thôi thúc PGS.TS bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai bắt tay vào nghiên cứu chế tạo loại sữa đặc biệt giúp nâng thể trạng cho bệnh nhân đặc biệt là bệnh nhân nghèo.

Công trình này cũng đã vinh dự đạt giải Kova lần thứ 14.

Sợ người nghèo chịu không nổi ! 

Hằng ngày, quan sát tại khoa cũng như tại bệnh viện, bác sĩ Mai nhận thấy có nhiều người nhà bệnh nhân phải loay hoay tự nấu cháo, nấu súp hay thuê máy xay sinh tố để xay cho người bệnh. Về mặt dưỡng chất và vệ sinh cũng không đảm bảo và rất cực cho bệnh nhân. Điều đó đã thôi thúc bác sĩ Mai phải làm gì đó giúp bệnh nhân của mình.

Bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai đang thăm khám cho bệnh nhân

Từ khi bắt tay nghiên cứu, bác sĩ Mai và cộng sự ngày đêm miệt mài đi đến các khoa, phòng, nhất là khoa hồi sức tích cực đặc biệt bởi tại đây có những bệnh nhân yếu, nằm liệt dài ngày và cho dùng thử sản phẩm, đánh giá trên nền sức khỏe bệnh nhân diễn tiến qua từng ngày. Khó khăn, vất vả, thời gian nghiên cứu quá dài hơn 3 năm, nhiều lúc bác sĩ Mai ngỡ tưởng mình không theo đuổi nữa…

Chuẩn sữa dùng cho bệnh nhân này thường là loại đắt tiền nhưng theo bác sĩ Tuyết Mai thì bệnh nhân mình còn nghèo lắm, dài ngày không theo nổi. Đang loay hoay nghĩ cách giúp bệnh nhân nữ nghèo thì duyên cơ đến, đó là một trường hợp bị tai biến, suy dinh dưỡng nặng, phù nề hết, bác sĩ điều trị chỉ định truyền abumin nhưng bệnh nhân không có tiền, phải mời bác sĩ dinh dưỡng lên can thiệp.

Bác sĩ Mai cho biết, bệnh nhân khi uống sữa tươi không bị tiêu chảy và người nhà vẫn đang nuôi bằng sữa bột nguyên kem, sữa bột kí. Do vậy, chị quyết định tiếp tục cho nuôi bằng sữa nguyên kem có tính toán với nhu cầu của người bệnh. Sau hai tuần, bà phục hồi tốt, hết phù mà không cần truyền abumin.

Chỉ bằng 1/8 loại sữa đắt tiền

Ý tưởng nảy ra lúc này là tại sao không dùng sữa bột nguyên kem nuôi bệnh nhân với giá chỉ bằng 1/8 loại sữa đắt tiền. 

Từ trường hợp bệnh nhân này đã giúp cho bác sĩ Tuyết Mai khám phá ra công thức đặc chế ưu việt vừa tăng cường sức khỏe, giúp bệnh nhân không bị tiêu chảy – triệu chứng rất thường gặp khi uống sữa. Chị cho biết, người Việt Nam rất thích uống sữa đậu nành mà theo tài liệu nghiên cứu thì đạm đậu nành nguyên chất rất cao, chỉ thấp hơn sữa bò thôi.

Tôi nghĩ mình nên phối hợp hai sữa nguyên kem và đậu nành lại sẽ phù hợp cho bệnh nhân. Còn chuyện xảy ra tiêu chảy do kém dung nạp lactose thì bổ sung men probiotic sẽ cải thiện tình trạng . 

Dùng sữa đặc chế gắn theo đó là tình thương và tấm lòng, nhiều bệnh nhân được nâng sức đề kháng, khỏe trở lại. 

Với vai trò đầu tàu quản lý bệnh viện, TS.BS Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc bệnh viện Nhân dân Gia Định đánh giá cao, ý tưởng, sáng kiến hay trên hết là vì người bệnh như công trình của bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai. Ông cho biết trong kế hoạch thường niên và nhiều năm của bệnh viện luôn nhắc nhở, động viên hoạt động của hội đồng khoa học bệnh viện, thậm chí việc nghiên cứu khoa học đã đưa vào chuẩn thi đua khen thưởng. Đặc biệt với bác sĩ, phải có tham gia nghiên cứu khoa học và những đề tài tốt, hay đều có động viên, khuyến khích, khen thưởng.

Khuyến khích bác sĩ tham gia nghiên cứu 

Để không ngừng nâng cao chất lượng trong hoạt động khám chữa bệnh theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP – thì ngành y tế TP không ngừng khuyến khích sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ không những trong khám chữa bệnh mà còn tập trung nghiên cứu khoa học, sáng tạo ra đề tài thiết thực, phục vụ cho bệnh nhân.

Đánh giá về những đóng góp của các đồng ngiệp, ông Thượng cho rằng đó là những người tiêu biểu, dấn thân hết mình vì người bệnh, vì nghề  nghiệp. Ông cho rằng, nghề chăm sóc sức khỏe người dân rất đặc biệt và chính là việc làm cho người dân hết bệnh, cứu được người bệnh là động lực khiến cho họ làm tốt hơn. Rất nhiều tấm gương toàn ngành có thể học tập và nhân rộng được như bác sĩ Mai.

Thương yêu người bệnh  - một trong những phẩm chất rất cần có của người thầy thuốc. Người thầy thuốc phải thương yêu bệnh nhân như “mẹ hiền” vì chỉ có sợi dây mẫu tử thiêng liêng mới là động lực mãnh liệt để bác sĩ cống hiến và phục vụ bệnh nhân bằng cả tấm lòng.

Ngày nay, dù trong hoàn cảnh nào, ở vị trí nào thì người thầy thuốc nếu họ tin, yêu bệnh nhân thì sẽ hết lòng phục vụ người bệnh. Thực tế những gì mà bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai – bệnh viện Nhân dân Gia Định làm được đã minh chứng: hãy đến với bệnh nhân bằng cả tấm lòng !