Góp ý dự thảo chương trình giáo dục tổng thể: 2018 là quá sớm

(VOH) - Đây là ý kiến được nêu ra trong buổi Góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.

Cái đại biểu góp ý dự thảo chương trình giáo dục tổng thể

Các ý kiến đều cho rằng dự thảo chương trình giáo dục tổng thể có nhiều ưu điểm như quan tâm rèn luyện kỹ năng sống, chú ý giáo dục đạo đức, lối sống, đáp ứng tình hình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại khi năm 2018 sẽ triển khai thực hiện chương trình, nhưng đến nay vẫn chưa có sách giáo khoa, chưa có lộ trình cụ thể để thực hiện. Ngoài ra, theo ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD-ĐT Quận 6, việc thực hiện chương trình mà không qua thí điểm dễ dẫn đến không hoàn thiện.

"Tới 2018 không thí điểm mà đưa vào chương trình dạy luôn, tôi nghĩ sẽ khó khăn ở THCS và THPT. Phải được góp ý, hoàn thiện xong mới đưa vào chính thức, đại trà" – ông Lưu Hồng Uyên lưu ý.

Theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT Quận Gò Vấp, việc kiểm tra, đánh giá cần phải thay đổi phù hợp với tiêu chí giảm tải của khung chương trình.

"Chương trình thì thấy rồi, nhưng nội dung sách giáo khoa mới thì như thế nào? Có giảm tải được không hay ngược lại? Chúng ta thay đổi khung chương trình, nội dung nhưng hình thức kiểm tra có thay đổi hay không?

Hiện nay chúng ta khuyến khích là kiểm tra quá trình học tập của người học, nhưng ở THCS và cả THPT vẫn đang mài mò, bắt đầu. Cái gì cũng giảm, như vậy đổi mới kiểm tra như thế nào có đáp ứng được không?"  - ông Trịnh Vĩnh Thanh nói. 

Nhiều ý kiến cho rằng yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của chương trình chính là nhân lực. Chuẩn bị nhân lực cần phải đi trước một bước. Trong khi đó, giáo viên, lực lượng sinh viên sư phạm giảng dạy các môn học mới, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, đến nay chưa có sự chuẩn bị.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định lo lắng trước giải pháp chuyển đổi giáo viên sang dạy các môn học mới:

“Đã tạo nên được một cơ sở giáo dục các em, tạo một nền tảng kiến thức cũng như một sự đam mê cho các em, nhất là những bộ môn mới thì chúng ta phải có sự đầu tư bài bản, đào tạo bài bản. Nếu cần thì mình chuyển đổi giáo viên, mình đọc sách trước rồi sau đó dạy các em thì tôi cũng thấy hơi lo lắng".

Việc dạy học ngoại ngữ ở cấp THCS, THPT chỉ 3 tiết/tuần theo dự thảo chương trình mới cũng là một lo ngại. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Việt Nam hiện đứng thứ 9/11 về xếp loại năng lực lao động trong các nước Đông Nam Á, nguyên nhân chủ yếu là người lao động yếu kém về năng lực ngoại ngữ dẫn đến không giao tiếp, không làm việc nhóm được.

Hiện trạng thiếu giáo viên tiếng anh cũng là một khó khăn chưa giải quyết được. Thậm chí tại quận Tân Phú, một quận nội thành của thành phố, việc dạy tiếng Anh mới triển khai được hơn 50% do thiếu giáo viên.

Ông Hiếu cho rằng: "Định hướng chương trình phải tiên tiến, hiện đại, hội nhập, nhưng yếu tố đầu tư ngoại ngữ còn rất thấp. Trong chương trình này, ở tiểu học học 4 tiết/tuần, THCS, THPT giảm chỉ còn 3 tiết/tuần.

Tôi thấy không phù hợp với định hướng như trong quyết định 1400 của Chính phủ, mong muốn biến ngoại ngữ thành một thế mạnh của người dân Việt Nam.

Đến 2020 đa số người dân sử dụng được ngoại ngữ trong giao tiếp nhưng đặt vấn đề như thế này thì khó. Khó cả về thời lượng cũng như về giáo viên. Giáo viên ngoại ngữ 1 giờ còn không đủ dạy, lấy đâu có ngoại ngữ 2. Về chế độ chính sách cho giáo viên, về thời lượng dành cho ngoại ngữ tôi cho rằng chưa phù hợp" – ông Hiếu cho biết.