Nhằm nâng cao kĩ năng tiếng Anh của sinh viên nhiều trường đại học lớn thuộc hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM đã đưa vào giảng dạy một số môn cơ sở, môn chuyên ngành hay toàn bộ chương trình bằng tiếng Anh. Đối với các trường đại học dân lập, việc giảng dạy bằng tiếng Anh cũng ngày càng trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, với chất lượng đào tạo tiếng Anh ở cấp phổ thông không đồng đều như hiện nay, nhiều tân sinh viên lo lắng không đủ khả năng theo học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh tại trường đại học.
PGS.TS. Hồ Thanh Phong – Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế (ĐH QG TPHCM) (Ảnh: BN)
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Hồ Thanh Phong – Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế (ĐH QG TPHCM) – trường đại học công lập đầu tiên tại Việt Nam giảng dạy toàn bộ chương trình đại học bằng tiếng Anh.
Sinh viên phải nỗ lực mới học được
* VOH: Qua nhiều năm đào tạo các chương trình bằng tiếng Anh, ông có thể chia sẻ những khó khăn mà tân sinh viên thường gặp phải khi bắt đầu tiếp cận các môn học bằng tiếng Anh?
- PGS.TS. Hồ Thanh Phong: Các tân sinh viên thường gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với việc học các môn học bằng tiếng Anh, trong đó có vấn đề lớn ở bốn kĩ năng nghe – nói – đọc – viết.
Thứ nhất, kỹ năng nghe và ghi chép của các em chưa tốt. Các em có thể ghi chép bằng tiếng Việt ở cấp học phổ thông nhưng chưa quen khi dùng tiếng Anh hoàn toàn.
Thứ hai, kỹ năng trình bày, diễn đạt câu trả lời bằng tiếng Anh của sinh viên cũng chưa tốt khi bắt đầu vào học.
Thứ ba, kĩ năng viết của sinh viên khi làm bài cũng cần được điều chỉnh bởi các em gặp nhiều khó khăn về cách chọn từ ngữ học thuật phù hợp, hình thức viết gặp nhiều lỗi cần khắc phục…
Điều cuối cùng chính là việc sinh viên chưa hình thành thói quen tự đọc sách hoặc thậm chí khi các thầy cô yêu cầu đọc sách thì các em cũng chưa cố gắng. Vì vậy, tiếp cận với sách chuyên ngành bằng tiếng Anh kèm nội dung kiến thức với khối lượng lớn chắc chắn sẽ là một trong những thách thức với các tân sinh viên mới vào trường.
Tôi cũng xin chia sẻ thêm với các học sinh phổ thông có ý định sẽ học ở trường đại học có giảng dạy bằng tiếng Anh. Các em cần chú trong rèn luyện các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết tiếng Anh. Nếu được thì nên tham gia các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh trong nước hoặc quốc tế để biết rõ trình độ hiện tại của mình và có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ phù hợp hơn.
Các em không nên chỉ học theo kiểu truyền thống: nặng về học văn phạm và từ vựng đơn thuần mà nên cố gắng khắc phục sự nhút nhát, mạnh dạn giao tiếp và chủ động tìm cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh thông qua các hoạt động câu lạc bộ, đội nhóm, các hoạt động thiện nguyện… Từ đó, các em sẽ có kỹ năng tiếng anh tốt và dễ dàng tiếp cận với các bài giảng bằng tiếng Anh ở bậc đại học.
*VOH: Trình độ tiếng Anh của tân sinh viên thường không đồng đều, trường đại học, cụ thể là Đại học Quốc tế đã làm gì để rút ngắn khoảng cách trình độ tiếng Anh và giúp các em tiếp thu kiến thức bằng tiếng Anh một cách tốt nhất?
- PGS.TS. Hồ Thanh Phong: Mục tiêu của trường chúng tôi là nâng cao trình độ tiếng Anh của sinh viên chứ không tập trung vào việc rút ngắn khoảng cách trình độ tiếng Anh giữa các sinh viên. Tùy theo trình độ tiếng Anh đầu vào (được thể hiện qua kỳ thi kiểm tra trình độ tiếng Anh tổ chức ngay sau khi nhập học) sinh viên sẽ được sắp xếp vào các chương trình học phù hợp.
Cụ thể, các sinh viên có trình độ tiếng Anh chưa tốt lắm sẽ được xếp vào các lớp tiếng Anh tăng cường có trình độ phù hợp với khả năng của từng em để tập trung trau dồi tiếng Anh trong các học kỳ đầu. Các em có trình độ tiếng Anh tốt hơn sẽ bắt đầu học các môn cơ sở ngành ngay từ học kỳ đầu tiên, đồng thời sẽ được học các lớp tiếng Anh học thuật (Academic English) để rèn luyện kỹ năng nói và viết trong trong môi trường học thuật đại học cũng như mở rộng vốn từ chuyên ngành.
Không chỉ vậy, để tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của sinh viên, nhà trường có các chính sách để tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh trong trường. Ví dụ: ngoài việc giảng bài bằng tiếng Anh, giảng viên của trường còn giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh với sinh viên trong và ngoài giờ học; Tất cả các thông tin, thông báo của nhà trường cũng được chuẩn bị bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Ngoài ra, trường tổ chức nhiều câu lạc bộ với hoạt động phong phú, tạo cơ hội cho sinh viên thường xuyên sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, từ đó nâng cao trình độ tiếng Anh phục vụ cho việc học và nghiên cứu hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Một số CLB nổi bật của trường như: IU English Club (câu lạc bộ tiếng Anh giúp sinh viên nâng cao các kỹ năng Anh ngữ thông qua các trò chơi trí tuệ như ô chữ, câu đố… và chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu luyện thi các chứng chỉ Anh văn (IELTS, TOELF...); CLB English Teaching Volunteer (dạy tiếng Anh tình nguyện, tổ chức những lớp dạy tiếng Anh cho các đối tượng trẻ em nghèo, công nhân, người lao động… tại TPHCM và Bình Dương; IU Buddy Club (câu lạc bộ Bạn đồng hành hỗ trợ sinh viên Quốc tế - tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tiếp xúc, giao lưu, hỗ trợ sinh viên quốc tế đến học tập tại trường)...
Khó nhưng nhiều cơ hội
* VOH: Theo ông, những lợi ích thiết thực nhất mà sinh viên thu nhận được khi được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh ở trường đại học là gì?
- PGS.TS. Hồ Thanh Phong: Với môi trường học tập và nghiên cứu hoàn toàn bằng tiếng Anh, sinh viên có lợi thế cạnh tranh khi xin việc làm cũng như xin học bổng khi học lên cao. Chính điều kiện để xét tốt nghiệp của nhà trường chúng tôi (IELTS trên 6.0 và các chứng chỉ quốc tế có mức điểm tương đương) đã khuyến khích sinh viên trường nỗ lực học tập từ những ngày đầu tiên vào trường. Mức điểm IELTS 6.0 cũng là mức điểm nhiều trường đại học trên thế giới và các doanh nghiệp lớn yêu cầu các ứng viên cần có khi xét tuyển.
Sinh viên học hoàn toàn bằng tiếng Anh sẽ có nhiều cơ hội cải thiện trình độ ngoại ngữ (Ảnh: BN)
Riêng tại Đại học Quốc tế, với chương trình đào tạo được thiết kế theo chuẩn quốc tế và giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, sinh viên có thể tự tin khi chuyển tiếp sang học tập giai đoạn 2 (hai năm học cuối) tại nhiều trường đại học đối tác nước ngoài của trường – những trường có thứ hạng cao trên thế giới như Rutgers University (Mỹ), University of New Soth Wales (Úc), University of Nottingham (Anh)...
Chương trình học của trường với nhiều hoạt động thuyết trình, nghiên cứu còn giúp sinh viên tự tin hơn khi giao tiếp và phát triển đồng đều các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Trong quá trình học tập, nghiên cứu, nguồn tư liệu của thư viện nhà trường hoàn toàn bằng tiếng Anh cũng giúp sinh viên tiếp cận với nguồn kiến thức đa dạng và thói quen tìm kiếm thông tin một cách khoa học cũng được xây dựng mỗi ngày.
* VOH: Vốn tiếng Anh giỏi sẽ là lợi thế lớn cho sinh viên sau khi ra trường. Xin ông cho biết, theo thống kê của nhà trường tỷ lệ sinh viên có việc làm ra sao?
- PGS.TS. Hồ Thanh Phong: Sinh viên của trường Đại học Quốc tế được tạo điều kiện để sử dụng tiếng Anh trong chương trình học tập và giao tiếp tại trường trong suốt 4 năm học nên khả năng sử dụng ngoại ngữ của các bạn khá tốt. Vượt qua điều kiện tốt nghiệp về tiếng Anh của trường (IELTS 6.0 và các chứng chỉ ngoại ngữ tương đương), sinh viên của trường luôn đạt được thành tích tốt khi tốt nghiệp, có bạn đạt được mức điểm rất cao như IELTS 8.5, TOEFL iBT 110… và giành được học bổng sau đại học tại các trường đại học lớn trên thế giới.
Với khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo, sau 4 năm học, trung bình gần 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt phù hợp với ngành nghề đào tạo trong vòng 01 năm sau khi ra trường.
*VOH : Cảm ơn ông