Học được nhiều hơn từ bài khảo sát vào trường Trần Đại Nghĩa

(VOH) - Sáng 30/6, hơn 3.800 học sinh lớp 5, làm bài khảo sát tuyển sinh Trần Đại Nghĩa. Với chỉ tiêu tuyển sinh 525 em, tỷ lệ 1 chọi 7, thí sinh phải thực sự làm tốt bài khảo sát mới có thể được một suất học tại trường. Đây cũng là trường duy nhất của thành phố được tổ chức khảo sát để tuyển sinh vào lớp 6.

Với tỷ lệ chọi khá cao nên chị Phan Thị Cẩm Hương không quá đặt nặng việc con có đậu vào trường hay không. Chuẩn bị cho kỳ thi thay vì tham gia các lớp luyện trên mạng hoặc học kèm tại nhà giáo viên như nhiều phụ huynh khác, chị Hương chỉ đăng ký cho con tham gia lớp anh văn.

Chị Hương cho con dự khảo sát với mong muốn bé có những trải nghiệm mới mẻ, để thích ứng tốt hơn với quá trình học tập sau này.

Các em tự tìm thông tin phòng thi trước khi làm bài khảo sát. 

Đây là năm thứ 3 Trường Trần Đại Nghĩa thực hiện bài thi khảo sát bằng tiếng Anh, nên học sinh phần lớn đã có dịp thử sức với các đề thi năm trước, cũng như biết được khuynh hướng ra đề thi. Vì vậy chị Vũ Thị Nhân Lộc, quận Thủ Đức không chú trọng bắt con học tính toán nhiều.

Thay vào đó, chị thường dành thời gian cùng con xem các chương trình thời sự, trao đổi với con về những vấn đề nóng xảy ra trong xã hội, cũng như sắp xếp thời gian cùng con đi du lịch nhiều nơi để có được những kiến thức nền tảng rộng.

“Những chương trình thời sự, 19 giờ, 15 phút đầu tiên thường điểm tin như Tổng thống nước nào qua thăm Việt Nam, những ngày lễ gì phải cho con coi để cập nhật. Như lễ 30/4, Quốc tế lao động, 19/5, quốc tế phụ nữ", chị Lộc cho hay.

So với đề thi các năm trước, đề khảo sát năm nay có số câu hỏi trắc nghiệm và cả tự luận đều giảm. Cụ thể có 24 câu trắc nghiệm, (giảm 6 câu so với năm 2016) và 8 câu tự luận (giảm 2 câu so với đề khảo sát năm 2016).

Việc giảm số câu hỏi nhằm để các em có thời gian thoải mái hơn để làm cũng như phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh lớp 5.

Bé Vũ Ngọc Thuỷ Tiên, lớp 5/3 trường Giồng Ông Tố cho biết làm bài khảo sát sẽ giúp em tích lũy cho mình kỹ năng làm bài.

Đề thi đánh giá toàn diện học sinh từ việc đọc hiểu tiếng Anh, Toán logic, kiến thức văn hoá, lịch sử, địa lý... Tuy nhiên, đề không chú trọng vào kiến thức hàn lâm, tính toán máy móc mà chủ yếu là những nội dung thực tiễn.

Chẳng hạn như các câu thành phố mang tên TPHCM năm nào, nhìn hình ảnh ghi tên địa danh, tính toán chọn mua gạo như thế nào cho có lợi... Em Nguyễn Phú Tâm, Trường tiểu học Lương Định Của, cho biết làm được khoảng 60% bài.

Dự kiến, ngày 7/7 trường sẽ công bố kết quả khảo sát. Những học sinh không trúng tuyển vẫn được xét tuyển vào lớp 6 theo tuyến.

Bình luận