Học sinh hào hứng với “phương pháp học tập bằng dự án”

VOH - Sáng 23/3, hơn 500 dự án của học sinh đã được giới thiệu tại lễ báo cáo dự án học tập liên môn “Dấu ấn rồng bay”.

“Dấu ấn rồng bay” là dự án học tập liên môn thu hút sự tham gia của hơn 1.000 học sinh và hơn 50 giáo viên thuộc 7 bộ môn của trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM).

Trước đó, các em học sinh đã được tiếp cận và tìm hiểu các di sản thiên nhiên, di tích lịch sử và sự phát triển của trung tâm Bắc Bộ như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình thông qua chuyến đi ngoại khóa “Hành trình di sản” vào tháng 12/2023.

Trong chuyến đi, ở từng bộ môn, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh các hướng tiếp cận, quan sát… theo yêu cầu môn học. Chẳng hạn như, học sinh sẽ tìm hiểu cấu trúc hình học không gian các kiến trúc di tích cho môn Toán; quan sát các kiểu hệ sinh thái điển hình của khu bảo tồn Ninh Bình, độ đa dạng hệ thống động thực vật cho môn Sinh; chọn một di sản văn hoá giới thiệu quảng bá cho môn Lịch sử…

dự án
Sản phẩm tái hiện hệ sinh thái Tràng An - Ninh Bình do học sinh thực hiện được trưng bày tại buổi báo cáo - Ảnh: Tuyết Nhung

Từ quan sát thực tế, học sinh còn nghiên cứu đưa ra các ý tưởng khởi nghiệp với chủ đề “Di sản và nông sản”. Những ý tưởng khởi nghiệp như: “Sữa chua sấy Hạ Long”, “Phấn nụ Liên hoa” “Sữa dê Ninh Bình”… vừa mang dấu ấn văn hoá vùng đất, vừa đưa ra những giải pháp phát triển kinh tế địa phương.

khởi nghiệp
Đại diện chuyên môn Sở Giáo dục và Đào tạo trao giấy khen cho các "Ý tưởng khởi nghiệp: nông sản và di sản"

Ông Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ bộ môn Lịch sử cho biết, phương pháp học tập bằng dự án không chỉ đánh giá việc tiếp thu kiến thức của học sinh thông qua việc học thuộc, ghi nhớ mà còn phát huy thế mạnh, khả năng riêng của học sinh để mang lại kết quả học tập cao hơn.

Theo đánh giá của Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn, với hơn 500 sản phẩm do chính các em thực hiện, dự án đã khẳng định dấu ấn của sự thành công, kiên trì vượt khó theo đuổi mục tiêu và đoàn kết. 

Bình luận