Tính đến nay, TPHCM đã tiêm hơn 13,6 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó hơn 7,8 triệu liều mũi 1 và gần 5,8 triệu liều mũi 2.
Với trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 đã tiêm mũi 1 được 639.976/668.473 trẻ, chiếm tỷ lệ 95,7%. trong khoảng 3 - 4 tuần tới, TPHCM cần bổ sung thêm vắc xin, vì hiện TPHCM chỉ còn dưới 50.000 liều Pfizer.
Theo kế hoạch, TPHCM tiêm chủng cho trẻ em 7 ngày, trong đó có 5 ngày tiêm chính và 2 ngày tiêm vét. Việc tiêm cho trẻ mắc bệnh nền và trẻ khuyết tật làm mất nhiều thời gian hơn dự tính. Trẻ bị bệnh nền được tiêm ở bệnh viện nhưng các gia đình chậm đưa các em đến tiêm. Còn với trẻ khuyết tật, các đội tiêm di động đến tận nhà để tiêm cho các em. Tiêm cho một trẻ khuyết tật có khi mất cả tiếng đồng hồ, tính cả thời gian theo dõi sau tiêm. Hiện đã có những quận, huyện đã hoàn thành tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ.
Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi triển khai trên toàn quốc từ tháng 11/2021, theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ mắc COVID-19 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao như TPHCM.
Về việc khi nào học sinh có thể trở lại trường học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, Bộ GD&ĐT xin ý kiến Bộ Y tế ban hành Công văn 4726 ngày 15/10 đề nghị UBND các tỉnh căn cứ phân loại đánh giá cấp độ dịch từng địa phương để quyết định việc dạy trực tiếp hay không.
Theo đó, khu vực nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh trở lại học tập, ví dụ dịch ở cấp độ 1, 2 có thể tổ chức dạy trực tiếp cho học sinh. Nhưng việc triển khai cụ thể thế nào phụ thuộc đặc điểm, trách nhiệm của chính quyền địa phương thực hiện. Đến nay, có 21 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp, có 18 địa phương kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến qua truyền hình, 24 địa phương vẫn học trực tuyến qua truyền hình. Với các địa phương có lượng học sinh lớn, đặc thù như TP. HCM, Hà Nội đều đã có phương án.
"Tùy theo diễn biến dịch bệnh ở các địa phương, các địa phương có trách nhiệm quyết định việc cho học sinh trở lại trường học tập hay không. Chúng ta đều mong muốn, các em sớm được đến trường an toàn", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết.