Học yếu tiếng Anh có nên chọn trường, chọn ngành giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh?

​​​​​​​(VOH) - Tân Thủ Khoa năm 2020 của trường Đại học Quốc tế cho biết, dù rất kém tiếng Anh nhưng vẫn “liều mạng” đăng ký vào trường giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Trong lễ khai giảng năm học 2020 - 2021 của trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM), tân thủ khoa của trường là Võ Thị Thúy Duyên tiết lộ rằng, dù mình rất kém tiếng Anh nhưng vẫn đăng kí vào ngôi trường giảng dạy 100% bằng tiếng Anh.

Duyên chia sẻ, lý do duy nhất khiến Duyên quyết định đăng ký vào trường là “nếu em trốn tránh, chọn học ở một trường ít dùng tiếng Anh thì chắc chắn cả đời em cũng sẽ kém tiếng Anh. Vào đây học, em tin là sau 4 năm ít nhất mình sẽ tốt hơn bây giờ, sẽ không còn sợ tiếng Anh nữa vì vào đây học đồng nghĩa rằng em không còn đường lui. Phải tiến lên”.

Duyên có lẽ là số ít sinh viên dám chọn trường, chọn ngành mình yêu thích mà không vấp phải rào cản vô hình mang tên “tiếng Anh”.

Đừng để tiếng Anh là “rào cản”

Hiện có rất nhiều trường đại học tại Việt Nam đã giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, hoặc mở các ngành, chuyên ngành chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh.

Những sinh viên học đại học bằng tiếng Anh có lợi thế hơn rất nhiều so với các sinh viên khác, đó là việc sử dụng tiếng Anh trong suốt 4-5 năm đại học sẽ giúp sinh viên rèn luyện khả năng giao tiếp thực tế; làm quen với những công việc thực tế bằng tiếng Anh… Từ đó, cơ hội việc làm của sinh viên sẽ cao hơn; khi tốt nghiệp có cả trình độ chuyên môn và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo giúp sinh viên có vị trí việc làm tốt hơn tại các công ty đa quốc gia, có việc làm tại các quốc gia khác hay đi du học cũng dễ dàng hơn…

Tuy nhiên, với không ít học sinh phổ thông, đặc biệt là những học sinh yếu môn tiếng Anh, chỉ cần mường tượng về viễn cảnh học đại học hoàn toàn bằng tiếng Anh đã khiến các em thiếu tự tin, e dè khi lựa chọn các ngành, trường giảng dạy bằng tiếng Anh - cho dù có yêu thích đến đâu đi chăng nữa.

giảng dạy bằng tiếng Anh, học tiếng Anh
Học đại học bằng tiếng Anh giúp sinh viên có kỹ năng tiếng Anh tốt hơn rất nhiều sau khi tốt nghiệp (Ảnh: HL)

Theo ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Chủ biên cuốn sách Tỏa sáng ở trường Đại học, một học sinh càng yếu tiếng Anh thì càng nên lựa chọn những nơi thường xuyên sử dụng tiếng Anh để có cơ hội sử dụng ngoại ngữ. Tiếng Anh hay bất cứ ngoại ngữ nào cũng là sinh ngữ - có nghĩa là nó chỉ sống khi được sử dụng – nếu chúng ta ít dùng thì phản xạ cũng kém đi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một người dù giỏi tiếng Anh mà ít dùng thì lâu dần cũng mai một.

“Ngay cả tiếng Việt cũng vậy, muốn viết giỏi thì mỗi ngày đều phải đọc, đều phải viết. Ít đọc, ít viết thì khi có việc dùng cũng sẽ khó khăn. Tiếng Anh lại càng như thế. Vậy thì việc mình dám đương đầu với nỗi sợ, với cái khó sẽ khiến mình chiến đấu với nó” – ThS Bích Ngọc chia sẻ.

Ngày nay, ngoại ngữ luôn là điều kiện cần để các bạn học sinh sinh viên tiếp cận với thế giới. Bạn muốn đủ điều kiện tốt nghiệp đại học, bạn phải có chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó Anh văn là ngoại ngữ được các trường chọn làm điều kiện bắt buộc. Bạn muốn học lên cao trong nước, ngoại ngữ là một trong những môn thi bắt buộc. Bạn muốn đi du học, ngoại ngữ lại càng quan trọng hơn.

Theo chị Bích Ngọc: “Sinh viên có tiếng Anh tốt mới sinh tồn được trong mọi tình huống khi thế giới ngày nay trở nên rất phẳng. Có tiếng Anh tốt sinh viên sẽ có cơ hội nhiều hơn người khác trong mọi lối đi. Một người có thể có thu nhập cao hơn nếu tiếng Anh xịn xò. Có tiếng Anh tốt, chuyện tình cảm cũng sẽ nhiều hơn người khác một cơ hội, không cần bó buộc phải quen người yêu, lấy người trong nước. Hơn thế nữa, ở trường Đại học, môi trường tiếng Anh lại cần hơn bao giờ hết nên nếu muốn thật sự có được cơ hội bay xa, bay cao”.

TS. Nguyễn Huy Cường – Trưởng Bộ môn Anh trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM) nhận định, nếu việc học tiếng Anh ở phổ thông chủ yếu là để thi cử nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà trường, thì việc học tiếng Anh ở đại học là nhằm chuẩn bị hành trang để đi làm hoặc đi du học, do đó nó cấp bách và thiết thực hơn.

Tất nhiên tiếng Anh ở phổ thông là nền tảng cho tiếng Anh ở đại học, do đó cả hai đều rất quan trọng. Sai lầm lớn nhất mà nhiều sinh viên đại học mắc phải là không dành đủ thời gian cho tiếng Anh.

TS. Nguyễn Huy Cường cho rằng: “Các em cần hiểu, với bằng cấp về kỹ sư hay khoa học chẳng hạn mà không có vốn tiếng Anh lưu loát thì các em mất rất nhiều cơ hội nghề nghiệp hoặc cơ hội học tập tốt đẹp trong tương lai. Do đó các em cần sắp xếp cuộc sống sao cho có thời gian để học chuyên ngành lẫn tiếng Anh trước khi quá muộn”.

Tiếng Anh không hề đáng sợ

Theo TS. Nguyễn Huy Cường, các học sinh chưa có trình độ tiếng Anh cao vẫn nên mạnh dạn chọn các trường đại học giảng dạy bằng tiếng Anh, vì hai lí do. Thứ nhất, tốt nghiệp từ những trường này, các em có được vốn tiếng Anh tốt hơn nhiều so với những bạn học ở trường giảng dạy bằng tiếng Việt, tạo nên lợi thế cạnh tranh rất lớn sau khi ra trường. Thứ hai, nếu tiếng Anh của các em còn yếu, chưa đủ để vào chuyên ngành, các trường đại học đều có chương trình tiếng Anh tăng cường nhằm hỗ trợ các em trước khi các em vào chuyên ngành. 

Chẳng hạn như trường Đại học Quốc tế có chương trình tiếng Anh đầu vào dành cho các bạn sinh viên chưa đủ năng lực tiếng Anh. Các lớp tiếng Anh đầu vào này sẽ giúp tân sinh viên có đủ kiến thức và kỹ năng tiếng Anh để vào các lớp chuyên ngành. Trường hiện có chương trình tiếng Anh tăng cường liên kết với đại học The West of England bao gồm 4 cấp độ, từ IE0 tới IE3, trong đó IE0 là cấp độ thấp nhất. Chương trình này được thiết rất khoa học, chỉnh chu, nhưng để tiến bộ nhanh chóng như mong muốn, sinh viên cần có thái độ quyết tâm, chăm chỉ, dành hết thời gian và công sức cho việc học tiếng Anh theo đúng hướng dẫn của giảng viên. 

ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ, việc học yếu tiếng Anh muốn cải thiện thì việc đầu tiên là ý thức thật sự muốn cải thiện kỹ năng này. Sinh viên phải có đủ quyết tâm để làm lại từ đầu vì đa phần các em mất căn bản. Khi mất căn bản sẽ dẫn tới không biết gì, không biết gì thì sẽ mang tâm lý học đối phó. Học đối phó thì không thể có kết quả tốt được. Vì thế trước nhất vẫn là tinh thần quyết tâm của việc học.

Tiếp theo, sinh viên cần làm lại toàn bộ hệ thống ngữ pháp. Vững cấu trúc câu, cách dùng các thì, mệnh đề, danh mệnh đề… Từ đó dễ dàng hơn trong việc phản xạ nói và nghe cũng như giúp phần đọc hiểu được nhanh hơn.

Ở kỹ năng nghe sinh viên hãy chịu khó xem thêm nhiều phim của Mỹ, Anh, Âu – chú ý chọn những phim nói tiếng Anh, phim hoạt hình tiếng Anh – để xem. Ban đầu có phụ đề, sau khi khá hơn thì tắt luôn phụ đề. Nếu bạn nào thích nghe nhạc thì chịu khó nghe nhạc tiếng Anh của các ca sĩ gốc Anh, Mỹ hát. Việc thường xuyên tiếp cận thêm các phương thức học tiếng Anh bằng các hình thức giải trí sẽ đỡ căng thẳng hơn trong quá trình rèn luyện. “Hãy nhớ, mưa dầm thấm đất” - ThS Bích Ngọc khẳng định.

Ngoài ra, sinh viên cần học từ vựng thật chắc, khi cần sẽ tra từ điển học từ cần học cách phát âm chuẩn. Hiện nay có rất nhiều ứng dụng luyện phát âm từng từ miễn phí trên mạng. Các bạn có thể học theo, có điều học từ nào phải chắc từ đó. Mỗi ngày một ít. Bên cạnh đó, cần tìm thêm sách truyện yêu thích bằng tiếng Anh để luyện đọc.

học tiếng anh
Hiện có rất nhiều website, ứng dụng miễn phí hỗ trợ học tiếng Anh hiệu quả (Ảnh: britishcouncil)

Cuối cùng là lựa chọn hình thức thi để học theo cho đúng, nếu muốn thi TOEIC thì nên luyện đề gì, thi IELTS thì nên luyện ra sao… Phải bỏ thời gian luyện công thì mới thành “chánh quả”.

Còn theo TS. Nguyễn Huy Cường, để học tốt tiếng Anh, sinh viên cần đặt ra mục tiêu rõ ràng và nỗ lực để đạt được mục tiêu đó.

Ví dụ, mục tiêu là đạt TOEIC 800 hay IELTS 6.5 trước khi kết thúc năm 3 đại học. Có thể các em chưa cần những chứng chỉ này ngay, nhưng việc đăng ký tham dự những kỳ thi này tạo cho các em động lực học tập rất tốt, giúp các em biết mình đang ở đâu để từ đó có kế hoạch phấn đấu thêm.

Ngoài ra, các em cần tận dụng những nguồn tài liệu mở như Youtube, Netflix..., tham gia các câu lạc bộ nói tiếng Anh để tự trau dồi thêm, bổ sung cho những gì được học trên lớp, vì kiến thức trên lớp thường khá hạn hẹp. Nhiều em nhờ tận dụng tốt những phương tiện này mà tiếng Anh rất khá, tạo nên ưu thế rất lớn về sau.

Tiếng Anh là một công cụ không thể thiếu trong trong bối cảnh toàn cầu hóa của thể kỷ 21. Với vốn tiếng Anh tốt, học sinh phổ thông sẽ có nhiều cơ hội và lựa chọn hơn khi vào đại học. Trong mùa tuyển sinh đại học năm nay (2020), rất nhiều trường đại học tại Việt Nam có chính sách ưu tiên dành cho học sinh phổ thông có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL iBT hay IELTS. Rất có thể chính sách này sẽ được các trường đại học duy trì trong những mùa tuyển sinh tiếp theo. Do đó, tôi khuyên các em học sinh phổ thông nếu điều kiện cho phép thì nên thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trước khi đăng ký xét tuyển hoặc thi tuyển vào đại học.

Bình luận