Hội nghị thường niên Hiệp hội Khu công viên khoa học Châu Á lần thứ 21 diễn ra tại TPHCM

(VOH) - Hội nghị thường niên Hiệp hội Khu công viên khoa học Châu Á lần thứ 21 (ASPA 21) diễn ra trong 3 ngày, từ19 đến 21/10/2017 tại TPHCM với sự tham dự của 400 đại biểu.

Trong đó có 90 đại biểu nước ngoài đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Liên Bang Nga, Butan, Đài Loan, Singapore…Thông tin được PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cung cấp tại buổi họp báo sáng 12/10.  

Công nghệ tạo ra đột phá mới

Đây là sự kiện nổi bật nhất của Hiệp hội các Khu công viên khoa học Châu Á (ASPA) hằng năm, quy tụ các nhà quản lý Khu Công viên khoa học – Khu Công nghệ cao, nhà khoa học uy tín, lãnh đạo cao cấp của các tổ chức khoa học – công nghệ trong khu vực Châu Á và trên thế giới.

Chủ đề chính của Hội nghị là “Công viên Khoa học thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia”, có 28 tham luận được trình bày bởi các diễn giả trong và ngoài nước, trong đó có 5 tham luận ở phiên chính và 23 tham luận ở các phiên song song gồm:

Công viên Khoa học trong khoa học sự sống và phát triển công nghệ hướng tới chất lượng cuộc sống tốt hơn; Công viên Khoa học Châu Á: Cơ hội hợp tác phát triển; Quỹ đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp trong khu công viên khoa học; IoT trong khu công viên khoa học: Một mô hình Smart City mới; Ứng dụng năng lượng tái tạo cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Tiến sĩ Lê Hoài Quốc – Trưởng ban Khu công nghệ cao TP thông tin về sự kiện ASPA 21 voh.com.vn

Tiến sĩ Lê Hoài Quốc – Trưởng ban Khu công nghệ cao TP (giữa) thông tin về sự kiện ASPA 21

Theo Tiến sĩ Lê Hoài Quốc – Trưởng ban Khu công nghệ cao TP, đây là cơ hội giao lưu, trao đổi mô hình, tổ chức mới trong các khu Công viên Khoa học, đô thị khoa học ở Châu Á. 

Trong quá khứ, để điện thoại bàn phổ biến và có được 50 triệu người dùng, người ta phải mất trên 70 năm; để radio có được số lượng 50 triệu người dùng, phải mất hơn 30 năm.

Tuy nhiên, hiện nay facebook chỉ trong vài năm đã vượt quá 2 tỷ người dùng và nền tảng của nó là internet. Chính nền tảng này đã tạo ra nhiều cơ hội và bước đột phá trong cuộc cách mạng lần thứ 4.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hệ thống robot, tự động hóa được đưa vào sản xuất, tạo ra sự bút phá mạnh mẽ về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Nền tảng của công nghệ thông tin được ứng dụng vào tất cả ngành công nghệ, sản xuất, làm biến chuyển, tạo ra các cuộc cách mạng công nghiệp nhỏ trong từng công nghệ, sản xuất.

Dẫn chứng về công nghệ sản xuất khuôn mẫu, ông Quốc nêu, trước đây, người ta rất khó hình dung được việc tạo khuôn mẫu như hiện nay, bằng cách sử dụng phần mềm thiết kế trên máy, sau đó đổ chương trình trên máy, máy tự động gia công ra khuôn mẫu,… Từ đó, tạo ra cuộc cách mạng về năng suất lao động.

Cuộc Cách mạng lần thứ 4 trên nền tảng internet kết hợp được những giá trị người ta đã nghiên cứu được từ trí tuệ nhân tạo, tức là hệ thống tự học, còn gọi là hệ thống thông minh trên nền tảng Dữ liệu lớn (big data) và Điện toán đám mây (cloud computing), giúp việc chuyển dữ liệu rất lớn từ nơi này đến nơi khác, giúp phân bố và khai thác lao động trên toàn cầu hiệu quả hơn xưa rất nhiều.

Điển hình từ những trung tâm thiết kế của Sam Sung, người ta có thể thiết kế ra những sản phẩm mẫu, sản phẩm mới. Hiện nay mới chỉ năm 2017 nhưng Tập đoàn này đã có những mẫu ti vi của thế hệ 2020.

Họ chuyển những mẫu thiết kế đó được lập trình từ khu công nghệ cao TP về tổng hành dinh ở Hàn Quốc với dữ liệu rất lớn trong thời gian ngắn. Từ đó, Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm Sam Sung ở Hàn Quốc xem và đưa thêm những yêu cầu để nhà máy hoàn thiện sản phẩm, chuẩn bị cho việc gia công và ra đời sản phẩm mới.

Đây là những điều mới mẻ mang đến sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Hướng đến những sản phẩm thân thiện môi trường

Cách đây 5 năm, Khu công nghệ cao thành phố từng đăng cai hội nghị thường niên lần thứ 16 của các Khu Công viên Khoa học hướng đến công nghệ sản xuất công nghệ bền vững. Những kết quả trao đổi hội nghị lần thứ 16 nhận được sự quan tâm của quốc gia. ASPA ngoài tăng trưởng kinh tế, thì phải giới thiệu sản phẩm thân thiện môi trường phát triển bền vững. Trong quá khứ, các quốc gia đã từng trả giá rất đắt cho vấn đề này…

Qua sự kiện này, TPHCM đã ký kết hợp tác với các khu công nghệ của Hàn Quốc, Nhật Bản, thảo luận sản phẩm năng lượng tái tạo. Đã có doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào TP phát triển sản phẩm.

Theo Trưởng ban Khu Công nghệ cao TPHCM, năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng thể hiện chất lượng sản phẩm và giá thành sản phẩm, nhưng không tách rời vấn đề việc bảo vệ môi sinh môi trường. Những công nghệ mới ra đời cần gắn với việc bảo vệ môi trường như: thiết bị điện thoại, công nghệ, giám sát nước thải… Họ đều sử dụng năng lượng mặt trời để làm hệ thống cung cấp năng lượng, làm việc cả ngày lẫn đêm, làm sao đưa chất thải ra môi trường thấp nhất.

Hiệp hội các Khu công viên khoa học Châu Á là một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1997 tại Nhật Bản nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển chung trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển các nền kinh tế tại các nước Châu Á.

Đến nay, ASPA có 138 thành viên trong đó, Việt Nam có 3 thành viên ASPA là Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Song song với Hội nghị ASPA, các doanh nghiệp tại TPHCM và một số khu công nghệ cao là thành viên của ASPA trưng bày hình ảnh sản phẩm tiêu biểu nhằm quảng bá sản phẩm của mình đến cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cao quốc tế. Đồng thời, Ban Tổ chức cũng sắp xếp cho các đại biểu tham quan và tìm hiểu một số doanh nghiệp công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao TP, tham quan văn hóa, lịch sử TPHCM.

Khu công nghệ cao cũng nỗ lực giới thiệu những thành tựu của TPHCM trong quá trình phát triển khoa học công nghệ, công nghệ cao để nâng cao chất lượng tăng trưởng năng lực cạnh tranh kinh tế thành phố cũng như nền công nghệ của quốc gia theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại, hướng đến kinh tế tri thức.