Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Tham dự Hội nghị có hơn 1000 đại biểu của 327 trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm trên toàn quốc và các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực giáo dục đại học.
Hội nghị trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, và Thành phố Hồ Chí Minh về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Ảnh: SGGP
Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo đánh giá chung tình hình công tác chấm thi, coi thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; công tác tổ chức tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm; đồng thời quán triệt những nhiệm vụ cần phải thực hiện ngay trong công tác tuyển sinh và thực hiện Luật Giáo dục đại học. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kỳ thi đã được tổ chức đúng quy chế, an toàn, nghiêm túc, phổ điểm thi các môn đều phù hợp với định hướng ra đề của kỳ thi. Kết quả tốt nghiệp THPT của cả nước đạt tỷ lệ 94,06%, kết quả của kỳ thi THTP quốc gia đảm bảo xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu tin cậy để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển sinh. Về công tác tuyển sinh năm 2019, 90% thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng theo 5 tổ hợp truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Những ngành mà có đảm bảo tỷ lệ việc làm cao thì số nguyện vọng cao ví dụ như khối công an, quân đội là cao nhất rồi đến khối y dược. những khối mà đôi khi không phụ thuộc vào việc làm mà phụ thuộc vào độ hấp dẫn như là khối ngành khoa học tự nhiên, hoặc sự sống thì tỷ lệ đăng ký rất thấp chỉ 2,4%. Đặc biệt là năm nay hầu như rất ít chỉ có hơn 400 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trung cấp sư phạm".
Hiện nay, để lọc thí sinh ảo trong quá trình xét tuyển sắp tới, các trường đại học đã tham gia 2 nhóm xét tuyển, trong đó nhóm xét tuyển miền Bắc có 52 trường và nhóm xét tuyển miền Nam có 90 trường. Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội đánh giá, cho đến thời điểm này, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, cao đẳng là thành công nhất, giảm vất vả cho cả thí sinh và các trường đại học. Tuy nhiên, trong thời gian tới Bộ cần có giải pháp để việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường phù hợp hơn: "Xác định chỉ tiêu tôi nghĩ rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm đầu mối cùng với các bộ, ngành để chúng ta có một xác định chỉ tiêu mang tính chất hệ thống và có cơ sở khoa học, vì tỷ lệ sinh viên thất nghiệp còn khá cao. Nếu chúng ta tính trên đầu dân thì luôn luôn thiếu. Cũng như ngành y tế thì những trường muốn mở mã ngành thì luôn luôn lấy số điều dưỡng trên dân để tính là thiếu, thiếu nhiều lắm cho nên mở bao nhiêu trường cũng được mà đào tạo bao nhiêu cũng được. nhưng thực chất một tỉnh ra một năm đến vài nghìn điều dưỡng trong khi chỉ nhận được một vài trăm".